Vaccine có tên gọi Mosquirix, do hãng dược GlaxoSmithKline sản xuất, kích hoạt hệ miễn dịch ngăn ngừa Plasmodium falciparum - loại ký sinh trùng sốt rét nguy hiểm nhất, phổ biến ở châu Phi. Đây cũng là loại vaccine đầu tiên được phát triển cho một bệnh ký sinh trùng, vốn phức tạp hơn nhiều so với bệnh từ virus hoặc vi khuẩn. Việc tìm kiếm loại vaccine an toàn và hiệu quả ngừa sốt rét đã kéo dài hàng trăm năm.
Mosquirix được tiêm ba liều cho trẻ em 5-17 tháng, liều thứ tư khoảng 18 tháng sau đó. Sau các nghiên cứu lâm sàng, vaccine đã được đưa vào sử dụng ở ba nước Kenya, Malawi và Ghana trong chương trình tiêm chủng đại trà. Các nước đã tiêm 2,3 triệu liều vaccine cho hơn 800.000 trẻ em, nâng tỷ lệ bảo vệ khỏi bệnh sốt rét từ 70% lên hơn 90%.
Động thái của WHO là bước đầu tiên giúp việc phân phối vaccine rộng rãi ở các nước nghèo trở nên dễ dàng hơn. Tiến sĩ Pedro Alonso, giám đốc chương trình sốt rét toàn cầu của WHO, gọi đây là sự kiện lịch sử. "Việc tìm ra vaccine thế hệ đầu tiên chống ký sinh trùng ở người là bước tiến về khoa học", ông nói.
Ở thử nghiệm lâm sàng, vaccine hiệu quả 50% chống sốt rét ác tính trong năm đầu tiêm chủng, song tác dụng giảm xuống gần bằng 0 ở năm thứ 4. Nghiên cứu không trực tiếp đo lường tác động của vaccine với các ca tử vong, điều này khiến một số chuyên gia đặt câu hỏi hiệu đây có phải lựa chọn xứng đáng ở các nước với vô số loại bệnh tật khác hay không.
Song sốt rét ác tính chiếm tới một nửa số ca tử vong vì sốt rét, vì vậy 50% được coi là con số đáng tin cậy và có thể tạo thay đổi, theo Mary Hamel, người đứng đầu chương trình triển khai vaccine sốt rét của WHO.
Nghiên cứu về mô hình dịch tễ thực hiện vào năm ngoái ước tính nếu được triển khai cho các quốc gia có tỷ lệ mắc sốt rét cao nhất, vaccine có thể ngăn ngừa 5,4 triệu ca nhiễm và 23.000 trường hợp tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi mỗi năm.
Thử nghiệm kết hợp vaccine và thuốc phòng ngừa trong mùa dịch cao điểm cho thấy hiệu quả vượt trội ngăn ngừa bệnh nặng, nhập viện và tử vong.
Ký sinh trùng sốt rét từ muỗi vô cùng khó lường, bởi nó có thể lây nhiễm cho một người nhiều lần. Ở nhiều vùng châu Phi cận Sahara, trẻ em mắc trung bình 6 đợt sốt rét mỗi năm, dù hầu hết người dân dùng màn tẩm thuốc diệt côn trùng.
Ngay cả khi bệnh không gây tử vong, các lần tái nhiễm có thể khiến hệ miễn dịch của các em thay đổi vĩnh viễn, trở nên yếu ớt và dễ bị tác động bởi các mầm bệnh khác.
Có rất nhiều ứng viên ngừa sốt rét được nghiên cứu song chưa qua thử nghiệm lâm sàng. Màn ngủ, biện pháp phổ biến nhất, chỉ giảm khoảng 20% số ca tử vong vì sốt rét ở trẻ dưới 5 tuổi.
Trong bối cảnh đó, một số chuyên gia cho biết vaccine mới, dù hiệu quả khiêm tốn, là bước đột phá chống lại căn bệnh này trong nhiều thập kỷ. Ashley Birkett, người đứng đầu chương trình sốt rét tại tổ chức Chương trình Công nghệ Phù hợp với Y tế (PATH), cho biết: "Tiến trình chống bệnh sốt rét đã thực sự bị đình trệ trong 5, 6 năm qua, đặc biệt ở một số quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất".
Vaccine mới "có thể gây ra tác động đáng kể", bà nói thêm.
Thục Linh (Theo NY Times)