Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, 2 chứng minh vaccine Covid-19 Sinovac tạo phản ứng miễn dịch ở 550 tình nguyện viên độ tuổi 3-17, Gang Zeng, giám đốc y tế tại Sinovac, phát biểu tại cuộc họp báo hôm 22/3. Trước đó, các tình nguyện viên được tiêm ngẫu nhiên giả dược, vaccine liều thấp hoặc trung bình. Một bé 6 tuổi và một bé 3 tuổi sốt cao sau tiêm, số còn lại chỉ xuất hiện triệu chứng nhẹ.
"Chứng minh được vaccine Sinovac an toàn và tạo phản ứng miễn dịch hiệu quả với nCoV là một thành tựu đáng ghi nhận", Eng Eong Ooi, giáo sư tại trường Y Duke NUS, Singapore, nhận định. Song, ông cho rằng chỉ dựa trên dữ liệu Sinovac cung cấp là chưa đủ để kết luận chắc chắn.
Vaccine Sinovac là "ứng viên" thứ hai được chính quyền cấp phép sử dụng đại trà cho người trường thành tại Trung Quốc hồi tháng 2, sau vaccine của Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia (Sinopharm). Chính phủ nước này chưa phê duyệt sử dụng vaccine trên trẻ nhỏ. Tới nay, hơn 70 triệu liều đã được phân phối trên toàn cầu.
Vaccine của Sinovac dựa trên mẫu nCoV bất hoạt, đưa vào cơ thể nhằm đào tạo hệ miễn dịch cách nhận biết và tiêu diệt mầm bệnh. Các nhà khoa học đã phải nuôi cấy virus trong môi trường đặc thù, sau đó ức chế bằng hoá chất để tránh việc chúng nhân lên trong cơ thể người. Loại vaccine này có thể dễ dàng di chuyển ở dạng đông khô, dễ tiếp cận người dân ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên, chúng kích thích đáp ứng miễn dịch yếu hơn vaccine chứa virus sống.
Theo các chuyên gia y tế, trẻ em nhiễm nCoV ít có nguy cơ tử vong hơn người trưởng thành, song vẫn có thể lây truyền bệnh cho người khác. Do đó, chủng ngừa cho trẻ rất quan trọng, là cơ hội đẩy nhanh tốc độ đạt miễn dịch cộng đồng.
"Nhu cầu tìm hiểu về tiêm phòng Covid-19 cho trẻ em và hiệu quả của vaccine với nhóm tuổi này rất lớn", tiến sĩ David Wohl, giám đốc y tế Viện vaccine, Đại học North California, nói.
Các nhà sản xuất vaccine Covid-19 trên thế giới cũng đang mở rộng quy mô nghiên cứu trên trẻ em. Hôm 16/3, hãng dược Mỹ Moderna tuyên bố sẽ thử nghiệm vaccine ở hơn 6.700 trẻ từ 6 tháng đến 11 tuổi. Trong một nghiên cứu riêng biệt, hãng đã thử nghiệm trên trẻ độ tuổi 12-17, dự kiến công bố kết quả vào mùa hè.
Giới chức y tế Mỹ đang thử nghiệm vaccine Pfizer-BioNTech ở trẻ 12-15 tuổi, lên kế hoạch mở rộng với các em nhỏ tuổi hơn. Hiện, Mỹ đã phê duyệt vaccine Pfizer-BioNTech ở người trên 16 tuổi. Cuối tháng 1, hãng dược Johnson & Johnson tuyên bố sẽ thử nghiệm vaccine Covid-19 của mình ở trẻ sơ sinh và bà bầu. Tháng trước, AstraZeneca bắt đầu thử nghiệm vaccine tại Anh cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên.
Lê Hằng (Theo AP, NY Daily News)