Thông tin được các chuyên gia nêu tại cuộc thảo luận tổ chức tại TP HCM tối 26/9. Sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra với 4 type gồm gồm Den-1, Den-2, Den-3, Den-4. Hiện bệnh không có phương pháp điều trị đặc hiệu, trọng tâm là phát hiện sớm và điều trị các triệu chứng. Trước gánh nặng bệnh tật, các chuyên gia kỳ vọng vaccine góp phần giảm gánh nặng sốt xuất huyết ở các góc độ: phòng bệnh, giúp giảm số mắc và ca bệnh nặng, giảm chi phí điều trị.
Đối với cá nhân, vaccine có phác đồ hai liều, hiệu quả phòng bệnh lên đến 80,2% và giảm đến 90,4% nguy cơ nhập viện vì bệnh diễn tiến nặng, giảm chi phí điều trị xuống mức thấp nhất. Rộng hơn, đối với cộng đồng, vaccine góp phần giảm tỷ lệ mắc, nếu sử dụng thường xuyên hàng năm có thể ngăn dịch bệnh bùng phát. Qua đó góp phần cởi bỏ áp lực quá tải cho ngành y tế.
PGS.TS. BS Trần Ngọc Hữu, nguyên Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM, đánh giá vaccine có thể là "vũ khí mới" giúp phòng, giảm rất nhanh sốt xuất huyết. Ông giải thích Việt Nam ghi nhận bệnh sốt xuất huyết từ năm 1959, khi chưa có vaccine chỉ dựa vào kiểm soát ca bệnh thông qua điều trị, diệt muỗi. Nỗ lực kiểm soát dịch bệnh đổ ra nhưng không thể kiểm soát triệt để, toàn diện. Vaccine sẽ thay đổi điều này.
Đồng tình, BS Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP HCM, nói rằng vaccine có ý nghĩa lớn trong giảm nguy cơ lây nhiễm vì bệnh sốt xuất huyết khó kiểm soát nguồn lây. 80% người không có triệu chứng vẫn có khả năng lây nhiễm sốt xuất huyết.
"Nếu không có vaccine, chúng ta chỉ 'theo đuôi' sốt xuất huyết", bác sĩ Khanh nói.
Ở một khía cạnh khác, BS Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, giải thích để kiểm soát sốt xuất huyết hiệu quả, người dân phải diệt muỗi, bọ gậy hàng tuần. Tuy nhiên, cách thức này khó duy trì đối với nhiều người do họ chịu gánh nặng mưu sinh.
Bên cạnh đó, một người có thể mắc sốt xuất huyết nhiều lần trong đời với các type virus khác nhau, lần mắc thứ hai có nguy cơ trở nặng hơn lần đầu. Từ đây, vaccine có vai trò quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh, giảm bớt khó khăn trong đời sống hàng ngày. Việc tiêm chủng cũng giúp giảm nguy cơ bệnh trở nặng, không tốn hàng trăm triệu đồng điều trị.
Tại Việt Nam, sau khi vaccine ngừa sốt xuất huyết được triển khai từ 20/9 đến nay, gần 200 trung tâm tiêm chủng trên toàn quốc của VNVC đã tiêm và nhận đặt giữ gần 15.000 liều cho trẻ em và người lớn.
Trong hội thảo, các chuyên gia phân tích gánh nặng y tế ở nhiều khía cạnh: sức khỏe cộng đồng, nhân lực ngành y tế, chi phí điều trị...
Theo PGS.TS Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM, Việt Nam nằm trong vùng dịch tễ sốt xuất huyết, đặc biệt là khu vực phía Nam. Do điều kiện về tự nhiên, khí hậu, đặc biệt là biến động dân cư, diễn biến của bệnh phức tạp, những năm gần đây thay đổi rất nhiều. Có năm ghi nhận hơn 100.000 ca bệnh hoặc hơn 100 ca tử vong.
Đến tháng 8, cả nước có gần 53.000 ca mắc, 6 ca tử vong. Hiện, một số địa phương ghi nhận hàng trăm ca mắc một tuần, như TP HCM có gần 330 ca nhiễm vào ngày 16-22/9, tăng 8,3% so với trung bình 4 tuần trước. Con số này nâng tổng số ca nhiễm tích lũy từ đầu năm lên hơn 7.300.
Hà Nội ghi nhận 285 ca chỉ trong một tuần (13-19/9), tổng số nhiễm tích lũy từ đầu năm là hơn 3.200. Gia Lai có 153 ca mắc vào ngày 16-22/9 với tổng ca nhiễm từ đầu năm là hơn 1.700.
Khi số lượng bệnh nhân rất đông, công tác khám, phát hiện và tổ chức điều trị khó khăn. Trong khi đó, điều trị sốt xuất huyết đòi hỏi phát hiện sớm, kịp thời mới có thể chống chuyển nặng, biến chứng. Nếu số nhiễm tăng quá cao và đột ngột, bệnh viện đối diện nguy cơ quá tải.
"Số nhiễm tăng cũng sẽ tăng khả năng lan truyền bệnh trong cộng đồng, tạo ra thách thức kiểm soát ca nhiễm cho cơ quan y tế dự phòng", PGS Trung nói.
Ngoài vấn đề quá tải và lây nhiễm cộng đồng, TS.BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM, cho biết những năm gần đây ca nặng có dấu hiệu tăng lên, có thể liên quan type virus Den-2 chiếm ưu thế. Bệnh nhân thừa cân béo phì, có bệnh nền kèm theo cũng tăng lên.
Ghi nhận mới nhất tại Bệnh viện Nhi đồng 1, số ca mắc sốt xuất huyết hiện cao hơn so với cùng kỳ năm 2023. Tháng 8, bệnh viện có 130 trẻ nhập viện và 8 trường hợp gặp biến chứng sốc sốt xuất huyết, phải điều trị tích cực.
Ở các ca nặng, bệnh nhi xuất hiện tình trạng sốc, trụy tim mạch, xuất huyết ồ ạt, giảm thể tích tuần hoàn và nguy cơ tử vong cao. Nguy cơ suy các cơ quan nội tạng, tổn thương gan nặng thường trực. Trẻ phải điều trị hồi sức tích cực, thở máy, lọc máu, thay huyết tương rất phức tạp.
Bác sĩ Chính ước tính, giả sử, cộng đồng ghi nhận 100.000 ca sốt xuất huyết. Với tỷ lệ chuyển nặng trung bình khoảng 5%, tức khoảng 5.000 bệnh nhân gặp biến chứng phải điều trị tích cực. Mỗi ca có chi phí điều trị khoảng 100 triệu đồng. Như vậy, chi phí điều trị có thể lên tới 500 tỷ đồng.
Gia Nghi