Kể từ lúc Covid-19 diễn biến phức tạp và trở thành đại dịch toàn cầu, có hơn 90 loại vaccine phòng ngừa virus SARS-CoV-2 được phát triển trên thế giới. Hiện các vaccine này tiến triển ở những giai đoạn khác nhau và được công bố nhiều hơn mỗi tuần. Ít nhất 6 loại tiến đến bước thử nghiệm về sự an toàn trên người và chuẩn bị có những tiến triển mới.
Các nhà phát triển, nhà tài trợ và các bên liên quan đang chuẩn bị những điều kiện thiết yếu, sẵn sàng trước thách thức lớn. Họ phải xác định xem loại vaccine nào thực sự hoạt động, lựa chọn đưa chúng vào sản xuất và phân phối trên toàn cầu. Giữa tình hình đại dịch hiện tại, các nhà khoa học buộc phải tăng tốc và hợp lý hóa quá trình trên để rút ngắn thời gian hoàn thiện vaccine.

Vaccine có thể là cách duy nhất tạo ra khả năng miễn dịch đối với virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng. Ảnh: Ted S Warren.
Tháng 5/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Geneva (Thụy Sỹ) phác thảo kế hoạch thử nghiệm lâm sàng cho một số loại vaccine. Song, nhiều nghi vấn xung quanh vấn đề tìm ra vaccine phòng nCoV vẫn đang bỏ ngỏ: có nên thử nghiệm toàn bộ vaccine đang nghiên cứu hay không; vaccine nào sẽ được thử nghiệm trước; hiệu quả của chúng tới đâu; so sánh mức độ hiệu quả giữa các loại vaccine diễn ra thế nào...
"Quá trình thử nghiệm toàn bộ vaccine nCoV đang phát triển trên thế giới đòi hỏi sự phối hợp chưa từng có trước đây từ các bên liên quan", Mark Feinberg, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Sáng kiến vaccine phòng chống AIDS quốc tế (IAVI) tại New York (Mỹ) cho biết. Trong khi đó, Seth Berkley, Giám đốc điều hành Gavi, Liên minh vaccine ở Geneva, lại cho rằng không thể đưa 200 loại vaccine đang nghiên cứu vào thử nghiệm một lượt.
Đối diện vấn đề này, WHO đã đề xuất phương án "Phối hợp thử nghiệm vaccine đa quốc gia" với hy vọng đẩy nhanh tiến độ phát triển và kiểm nghiệm mức độ thích nghi của vaccine. Phương án này cho phép các loại vaccine được đưa vào thử nghiệm liên tục. Những ứng viên không hoạt động hoặc cho kết quả thử nghiệm không khả thi có thể được loại bỏ ngay lập tức.
WHO thành lập hội đồng chuyên gia xem xét mức độ ưu tiên đưa vào thử nghiệm của từng loại vaccine. Feinberg cho rằng WHO có thể không phải tổ chức duy nhất tiến hành phương án thử nghiệm "đại trà" này. "Những tổ chức liên kết và phối hợp chiến lược trong việc nỗ lực tìm kiếm ứng viên vaccine sáng giá có tầm ảnh hưởng rất quan trọng. Nếu không được thực hiện tới nơi tới chốn, tình hình sẽ ngày càng hỗn loạn. Còn nếu chỉ tính riêng phương án WHO đưa ra thôi thì chưa đủ", ông nói.

Các loại vaccine nCoV đang được nghiên cứu, phát triển trên thế giới được WHO xem xét mức độ ưu tiên để đưa vào danh sách thử nghiệm trên động vật và trên người. Ảnh: Max & Jules Photography.
Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) tại Maryland vừa công bố rằng họ đang hợp tác với hơn 10 công ty nhằm mục đích phát triển thuốc điều trị và vaccine phòng ngừa SARS-CoV-2. Liên minh phòng chống dịch bệnh (CEPI) cũng đang hỗ trợ 9 loại vaccine khác nhau. Bà Melanie Saville, Giám đốc nghiên cứu và phát triển vaccine của tổ chức phi lợi nhuận hy vọng sẽ huy động được 2 tỷ USD chi trả cho các thử nghiệm hiệu quả, sản xuất và các chi phí khác.
Tiêu chí ưu tiên mức độ hiệu quả của vaccine có thể bao gồm năng lực sản xuất, đáp ứng miễn dịch sinh ra trong các thử nghiệm trên người và động vật. Một số loại đang phát triển, đơn cử như vaccine RNA, dù chưa được thử nghiệm rộng rãi ở người nhưng lại nhận được sự chấp thuận theo quy định.
Một thách thức khác song song với vấn đề loại vaccine nào được đưa vào thử nghiệm là so sánh mức độ hiệu quả, an toàn giữa các loại vaccine với nhau. Đề xuất của WHO về một thử nghiệm hiệu quả cho phép so sánh trực tiếp hiệu suất của nhiều loại vaccine.
Tuy nhiên, Marie-Paule Kieny, Giám đốc nghiên cứu tại Viện nghiên cứu y tế và y tế quốc gia Pháp, lại cho rằng một số nhà phát triển có thể không chấp nhận kết quả này vì nó có thể làm tổn hại đến viễn cảnh thương mại tương lai của vaccine.

Bên cạnh đưa vaccine vào thử nghiệm, các nhà khoa học còn tiến hành so sánh hiệu quả phòng ngừa của chúng để tìm ra loại tốt nhất. Song, việc làm này có thể khiến một số nhà phát triển không hài lòng. Ảnh: Max & Jules Photography.
"Các nhà phát triển vaccine đều đòi hỏi thành quả nghiên cứu của mình được đối xử công bằng. Những quyết định hay kết quả so sánh giữa các loại vaccine buộc phải minh bạch để vaccine của họ có cơ hội thể hiện hiệu quả mà nó mang lại", Swati Gupta, Phó chủ tịch, Trưởng phòng Chiến lược Khoa học và Bệnh truyền nhiễm mới nổi của IAVI cho biết.
Hiện vaccine nCoV vẫn trong quá trình nghiên cứu và thử nghiệm. Nhiều chuyên gia dự đoán có thể hoàn thiện trong vòng 18 tháng. Số liệu ghi nhận ngày 4/5, trên thế giới có gần 3,6 triệu ca nhiễm Covid-19, hơn 248.000 người tử vong và trên 1,1 triệu người khỏi bệnh.
Thy An (Theo Nature)