Theo Moderna, dữ liệu thử nghiệm lâm sàng cho thấy mũi tiêm tạo ra lượng kháng thể trung hòa chống lại BA.2.86 (còn gọi là Pirola - biến chủng của Omicron) cao gấp 8,7 lần. Hãng đã gửi kết quả này đến một tạp chí chuyên môn được bình duyệt và chia sẻ nó đến các cơ quan quản lý.
"Những dữ liệu này xác nhận vaccine Covid-19 bản cập nhật sẽ tiếp tục là một công cụ quan trọng để bảo vệ cộng đồng khi bước vào đợt tiêm chủng mùa thu", chủ tịch Moderna, Stephen Hoge, cho biết trong một tuyên bố đầu tháng 9.
Vaccine mới được gọi là vaccine "hai giá trị", đã được điều chỉnh để phù hợp với chủng virus ban đầu cũng như biến chủng phụ của Omicron là BA.1. Thử nghiệm cho thấy vaccine khi sử dụng làm liều tăng cường có thể kích hoạt "phản ứng miễn dịch mạnh mẽ", chống lại cả BA.1 và virus gốc xuất hiện từ năm 2020.
Báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho thấy vaccine thế hệ mới cũng có thể làm giảm nguy cơ nhiễm biến chủng phụ XBB. Vaccine giúp giảm 48% nguy cơ mắc triệu chứng nhẹ ở người 18 đến 49 tuổi từ hai đến ba tháng sau tiêm. Tỷ lệ hiệu quả ở người từ 50 đến 64 tuổi là 38%, người 65 tuổi trở lên là 42%.
Trước đó, CDC phỏng đoán biến chủng BA.2.86 có khả năng lây nhiễm cao hơn, kể cả với những người từng tiêm chủng hoặc mắc bệnh tự nhiên trước đó.
Tuyên bố của Moderna đưa ra dựa trên dữ liệu từ các phòng thí nghiệm độc lập trên khắp thế giới. Các thí nghiệm của Đại học Bắc Kinh ở Trung Quốc, Viện Karolinska Thụy Điển và Đại học Harvard cho thấy tất cả loại vaccine hiện nay đều có "mức độ bảo vệ nhất định" trước virus.
Xuất hiện vào khoảng tháng 8, biến chủng Pirola sở hữu hơn 30 đột biến mới, khiến giới khoa học lo ngại. Lượng đột biến tập trung ở protein gai - phần virus dùng để lây nhiễm tế bào. Theo phân tích của Bloom Lab, trong Pirola có 34 đột biến phát triển từ BA.2 và 36 đột biến liên quan đến XBB.1.5. Đây đều là biến chủng từng chiếm ưu thế ở Mỹ và nhiều khu vực.
Hiện tại, các nhà khoa học chưa có nhiều thông tin về triệu chứng của Pirola. Trong một tuyên bố, Bộ Y tế Mỹ cho biết bệnh nhân nhiễm biến chủng này có các triệu chứng nhẹ và không phải nằm viện. Giáo sư Thomas Russo, Trưởng khoa Bệnh truyền nhiễm tại Đại học Buffalo (New York), cũng nhận định các đặc điểm lâm sàng của biến chủng này còn hạn chế.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nó mang đầy đủ các triệu chứng của những phiên bản Omicron trước đây. Người bệnh có thể bị sốt, ớn lạnh, ho, thở gấp hoặc khó thở, mệt mỏi, đau nhức cơ thể, đau đầu, mất vị giác, đau họng, ngạt mũi hoặc chảy nước mũi, buồn nôn hoặc nôn mửa, tiêu chảy.
Cùng thời điểm Pirola xuất hiện, các nhà khoa học cũng theo dõi thêm biến chủng khác là Eris (EG.5) cũng là hậu duệ của Omicron. Kết quả, Pirola và Eris là "thành viên của cùng một gia đình".
Thục Linh (Theo AFP)