Các chuyên gia phân tích hồ sơ sức khỏe của khoảng 3,4 triệu người dân Mỹ 9-39 tuổi đã tiêm mọi loại vaccine từ năm 2010 đến năm 2023. Trong đó có khoảng 1,5 triệu nam giới và một triệu phụ nữ từng chủng ngừa HPV. Tiếp theo, nhóm so sánh tỷ lệ mắc ung thư liên quan tới virus này giữa những người chưa tiêm và đã tiêm ngừa.
Kết quả, vaccine giúp giảm 54% nguy cơ mắc các bệnh ung thư liên quan HPV ở nam giới, mức giảm chủ yếu ở nhóm mắc ung thư vùng đầu, cổ. Còn nữ giới giảm nguy cơ mắc tới 30% đối với mọi loại ung thư do HPV.
Những phát hiện này sẽ được trình bày vào hội nghị của Hiệp hội Ung thư lâm sàng Mỹ vào tuần tới, chưa được công bố trên các tạp chí khoa học bình duyệt.
![Minh họa nam giới tiêm ngừa HPV. Ảnh: PhotoAC](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2024/05/24/4752460-m-JPG-4860-1716535537.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=OzgTsIXeVXYlzoXWjIVeog)
Minh họa nam giới tiêm ngừa HPV. Ảnh: PhotoAC
Bác sĩ Glenn J. Hanna, chuyên khoa ung thư tại Trung tâm Ung thư đầu và cổ của Viện Ung thư Dana-Farber, không tham gia vào nghiên cứu, đánh giá đây là dấu hiệu khả quan. Qua đó ông kỳ vọng tỷ lệ mắc ung thư giảm trong tương lai.
Đồng tác giả nghiên cứu, Joseph Curry, bác sĩ phẫu thuật đầu và cổ tại Trung tâm Ung thư Sidney Kimmel ở Philadelphia, dự đoán lợi ích của vaccine sẽ được tối đa trong vòng hai đến ba thập kỷ tới. Kết quả nghiên cứu chỉ là hiệu ứng ban đầu.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Ung thư lâm sàng Mỹ công bố thêm một nghiên cứu khác, cho thấy tỷ lệ tiêm chủng tăng lên tại Mỹ nhưng nam giới tiêm ít hơn nữ giới. Giai đoạn 2011-2020, tỷ lệ chủng ngừa tăng từ 38% lên 49% ở nữ và từ 8% lên 36% ở nam giới. Các nhà khoa học kết luận thanh thiếu niên nên được chủng ngừa trước khi tiếp xúc với virus.
HPV lây truyền qua đường tình dục, gây ung thư tại cổ tử cung, dương vật, hậu môn, âm đạo, khoảng 70% ca ung thư đầu và cổ. Theo Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, nam giới có nguy cơ mắc các bệnh ung thư do HPV cao gấp đôi so với phụ nữ.
Vaccine phòng bệnh được phê duyệt tại Mỹ vào năm 2006, chỉ định cho nữ giới vị thành niên, giúp giảm đáng kể tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung. Năm 2011, Mỹ cho phép nam giới vị thành niên chủng ngừa HPV, mở rộng độ tuổi tiêm chủng đến 26.
Chi Lê (Theo NBC News, AP)