TS.BS Vũ Hữu Khiêm, Trưởng Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, virus HPV có khoảng 200 chủng, trong đó 40 chủng lây nhiễm ở đường sinh dục và khoảng 15 chủng liên quan tới ung thư. Chủng HPV 16, 18, 45, 56 liên quan tổn thương loạn sản nặng và ung thư cổ tử cung xâm nhập; HPV 18 liên quan ung thư biểu mô tuyến và ung thư cổ tử cung, tỷ lệ di căn hạch, khả năng tái phát...
Không chỉ gây ung thư cổ tử cung, HPV còn gây ung thư hầu họng, song chưa được nhận thức đầy đủ. Theo nghiên cứu từ Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ xuất bản ngày 25/7, HPV chiếm đến 70% ca mắc ung thư vòm họng.
HPV còn gây bệnh ung thư hậu môn, đây là một trong những bệnh nghiêm trọng nhất khi nhiễm virus HPV. Theo CDC Mỹ, người quan hệ tình dục đồng giới có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 17 lần so với người có quan hệ tình dục khác giới.
Ở nam giới, HPV cũng gây ung thư dương vật với 36.000 ca mắc vào năm 2020, trong đó virus HPV chiếm khoảng 60% nguyên nhân. Nam giới hiện chưa có biện pháp tầm soát, phát hiện các bệnh lý ung thư liên quan đến HPV, dẫn đến chẩn đoán trễ, tỷ lệ tử vong cao.
Theo bác sĩ Khiêm, HPV lây nhiễm vào cơ thể không triệu chứng; virus được cơ thể đào thải sau một đến hai năm tuy nhiên miễn dịch này không bền, khả năng nhiễm HPV chủng nguy cơ cao và dai dẳng hoặc tái nhiễm còn rất lớn. Hồi tháng 8, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê virus HPV có liên quan hơn 625.000 ca mắc ung thư ở nữ giới và hơn 69.000 ca mắc ở nam giới mỗi năm. Số ca mắc ung thư liên quan tới HPV ước tính chiếm 5% tổng số ca ung thư trên toàn thế giới.
Trong khi đó, ung thư cổ tử cung hiện là loại bệnh duy nhất do HPV gây ra có sẵn xét nghiệm sàng lọc, kiểm tra khi chưa có triệu chứng. Thế giới cũng chưa có phương pháp điều trị nhiễm trùng HPV, chỉ có phương pháp điều trị mụn cóc sinh dục, tiền ung thư cổ tử cung và ung thư cổ tử cung.
Do đó, WHO đã khuyến cáo tiêm chủng vaccine ngừa HPV sớm cho trẻ em nam, trẻ em nữ từ 9 đến 14 tuổi, đồng thời cho biết vaccine là biện pháp hàng đầu để phòng bệnh. Trẻ em từ 9 đến 14 tuổi chỉ cần tiêm hai liều vaccine đã có miễn dịch phòng các bệnh do virus HPV. Người từ 15 đến 26 tuổi cần tiêm đủ phác đồ ba liều vaccine HPV. Người từ 27 đến 45 tuổi vẫn có thể tiêm vaccine HPV nhưng hiệu quả bảo vệ sẽ không tối ưu.
Ngoài ra, cơ quan này khuyến cáo mọi người dùng bao cao su khi quan hệ tình dục, cắt bao quy đầu ở nam giới để giảm nguy cơ nhiễm HPV; phụ nữ nên sàng lọc ung thư cổ tử cung 5 đến 10 năm một lần, bắt đầu từ 30 tuổi.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, vaccine HPV đã và đang được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới, chứng minh được tính an toàn và sinh miễn dịch tốt, tồn tại bền vững tới 30 năm. Tiêm vaccine cho cả nam và nữ giới vừa là biện pháp phòng bệnh chủ động cho bản thân vừa tạo miễn dịch cộng đồng, làm giảm tỷ lệ virus HPV lưu hành.
"Ở cấp độ dân số, việc tiêm phòng HPV cho trẻ trai, bé gái, nam giới, nữ giới cung cấp sự bảo vệ trực tiếp chống lại các bệnh liên quan đến HPV, đồng thời bảo vệ gián tiếp cho các nhóm đối tượng không được tiêm chủng, nhóm dễ bị tổn thương như MSM - cộng đồng nam quan hệ đồng giới", bác sĩ Chính nhấn mạnh.
Hiện Hệ thống tiêm chủng VNVC có hai loại vaccine phòng ung thư cổ tử cung và các bệnh ung thư do virus HPV, gồm: Gardasil (Merck Sharp & Dohme - Mỹ) và Gardasil 9 (Merck Sharp & Dohme - Mỹ). Trong đó, Gardasil 9 tiêm cho cả nam và nữ, không giới hạn yếu tố quan hệ tình dục, hiệu quả đến 94% đối với các bệnh ung thư âm hộ, ung thư hậu môn, ung thư hầu họng, mụn cóc sinh dục... do virus HPV.
Mộc Thảo