Hồi tháng 12/2022, Công ty Công nghệ sinh học Moderna, Mỹ, đã công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng gây chấn động giới nghiên cứu ung thư. Nghiên cứu hợp tác với Công ty dược phẩm MSD chứng minh vaccine ung thư mRNA cùng với liệu pháp miễn dịch có tác dụng trên những bệnh nhân có u ác tính đang phát triển và đã phẫu thuật. Sau một năm, thử nghiệm giai đoạn 2b cho thấy dùng đồng thời hai phương pháp giảm 44% nguy cơ tái phát ung thư hoặc tử vong.
Vaccine ung thư mRNA khác vaccine thông thường. Trọng tâm của vaccine không phải là phòng ngừa, mà được sử dụng như loại thuốc cá nhân hóa, nhằm huấn luyện hệ thống miễn dịch của người mắc chống lại bệnh ung thư. Để có liều vaccine, chuyên gia sẽ lấy mẫu khối u và mô khỏe mạnh của người bệnh, sắp xếp trình tự DNA và RNA, so sánh mức độ khác nhau để xác định đột biến, lấy làm kháng nguyên cho vaccine.
Giải thích thêm về cơ chế hoạt động của vaccine, Viện Nghiên cứu Ung thư Mỹ cho biết thông qua vaccine, các nhà nghiên cứu cố gắng tạo ra phản ứng miễn dịch chống lại các protein bất thường của tế bào ung thư. Song, các protein này không xuất hiện trên tế bào thông thường và không giống nhau giữa mọi người, vì vậy vaccine cần được đặc chế. Từ đó, hệ thống miễn dịch học được cách nhận biết tế bào ung thư khác với phần còn lại của cơ thể như thế nào.
Tiến sĩ Julie Bauman, phó giám đốc Trung tâm Ung thư Đại học Arizona, Mỹ đang tham gia một nghiên cứu lâm sàng, thử nghiệm điều trị ung thư bằng vaccine mRNA kết hợp với chất ức chế chốt kiểm soát miễn dịch. Nghiên cứu diễn ra trên bệnh nhân ung thư đầu, cổ giai đoạn cuối. Kết quả ban đầu rất khả quan. Trong 10 người đầu tiên tham gia, 2 người không còn khối u sau khi điều trị, 5 người được giảm kích thước khối u. Nghiên cứu sau đó đã mở rộng lên 40 bệnh nhân ung thư.
Về sản xuất, Bauman cho biết công ty sản xuất vaccine trong khoảng 6 tuần. Quá trình sản xuất bắt đầu từ khâu xác định đột biến gene trong các tế bào u của bệnh nhân, xem xét tế bào nào có thể tạo ra kháng nguyên mới. Sau đó, họ dùng thuật toán máy tính dự đoán kháng nguyên nào có thể liên kết thụ thể trên tế bào T, kích thích phản ứng miễn dịch. Do đó, vaccine có thể bao gồm trình tự di truyền cho 34 loại kháng nguyên khác nhau; kích hoạt tế bào T nhận dạng cụ thể từng tế bào ung thư dựa trên các đặc điểm phân tử bất thường.
Hiện, công ty tiếp tục thử nghiệm vaccine, dự kiến bắt đầu tại Anh từ mùa thu năm 2023. Các bệnh nhân ung thư giai đoạn đầu và giai đoạn cuối sẽ được sử dụng vaccine cùng với liệu pháp miễn dịch khác, nhằm điều trị các tế bào đang hoạt động và ngăn chúng tái phát.
Vaccine được kỳ vọng áp dụng vào năm 2030, điều trị cho khoảng 10.000 bệnh nhân ung thư. Họ cũng dự định thử nghiệm điều trị u ác tính, hướng tới bệnh ung thư buồng trứng, đầu cổ, đại trực tràng, phổi và tuyến tụy.
Chi Lê (Theo Guardian, CNBC, The Conversation)