Tuần rồi tôi phải đi làm xét nghiệm để vào Hà Nội có việc, do tôi ở một khu đô thị tại Hưng Yên. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy hàng người chờ xét nghiệm phần lớn là những lao động phổ thông. Họ mặc đồ bảo hộ lao động hoặc quần áo lấm lem như thể vừa ra khỏi một công trình hay khu xưởng nào đó. Họ không phải xét nghiệm để về quê tránh dịch, mà để đi làm hàng ngày từ các huyện bên Hà Nội sang Hưng Yên và khu vực lân cận.
Theo yêu cầu của UBND tỉnh Hưng Yên và TP Hà Nội, giấy xét nghiệm âm tính là một trong những điều kiện bắt buộc để vào Hà Nội cũng như quay lại Hưng Yên. Giá một lần xét nghiệm là 238.000 đồng, chỉ có tác dụng trong ba ngày - bằng giá một ngày công lao động phổ thông, và họ phải tự trả.
Nếu đi làm liên tục một tháng, một lao động sẽ phải trả khoảng 2,38 triệu đồng. Chi phí "giấy thông hành" chiếm khoảng 1/3 tổng thu nhập. Họ vẫn chấp nhận trả vì còn hơn mất việc.
Nhưng từ ngày 2/8, nhà chức trách Hưng Yên đã nâng cấp yêu cầu từ xét nghiệm nhanh lên xét nghiệm PCR. PCR có giá 734.000 đồng mỗi lần, hiệu lực trong ba ngày. Với nhiều người, chi phí đi làm vượt xa lợi ích mang lại.
Nếu được tiêm vaccine sớm, họ sẽ không phải chầu chực xét nghiệm ba ngày một lần với giá đắt đỏ. Tiêm vaccine là cách có lợi cho chính những lao động này. Tôi tin rằng ngay cả trong trường hợp họ phải tiêm dịch vụ thay vì miễn phí, đó vẫn là lựa chọn rẻ nhất trong số lựa chọn đang có.
Việc phản đối tiêm dịch vụ với lập luận "chủ yếu do tư nhân, sẽ đẩy giá lên cao, người nghèo không tiếp cận được vaccine, gây ra bất bình đẳng" có lý nhưng chưa đủ. Vì nó chưa tính đến chi phí của việc tiêm chậm, tôi tạm tính gồm:
Chi phí xét nghiệm nhanh 238.000 mỗi ba ngày, bằng 2,38 triệu đồng mỗi tháng; chi phí PCR 734.000 mỗi lần, bằng 7 đến 11 triệu đồng mỗi tháng. Trường hợp PCR mất một ngày để trả kết quả, hiệu lực của giấy chỉ còn hai ngày; chi phí cách ly tập trung 14-21 ngày cộng chi phí xét nghiệm âm tính tối thiểu ba lần trước khi ra khỏi cách ly nếu chẳng may là F1; chi phí mất việc hoặc nghỉ không lương do không di chuyển được; chi phí và áp lực của hệ thống y tế khi bạn mắc bệnh; chi phí khác của nhà nước để duy trì khu cách ly tập trung các F, truy vết; chi phí của nhà nước để duy trì giãn cách, cách ly, phong toả xã hội; thiệt hại kinh tế của các nhà máy, doanh nghiệp, rộng ra là GDP cả nước
Vậy, phí tiêm dịch vụ có thể cao đến đâu?
Báo Mỹ công bố, vaccine Pfizer bán ở Mỹ là 19,5 USD và ở châu Âu là 14,7 USD cho một mũi tiêm. AstraZeneca có giá khoảng 2-5,25 USD cho hai mũi. Sinopharm bán cho tùy từng nước có giá 10 đến 15 USD một mũi. Moderna bán cho chính phủ Mỹ giá khoảng 15 USD, so với châu Âu khoảng 18 USD một mũi tiêm. Vaccine cho các nước nghèo thường kèm chính sách trợ giá nên không cao hơn mức nêu trên.
Pfizer bán cho Việt Nam là 6,75 USD - khoảng 155.000 đồng - một liều, cộng thêm chi phí dịch vụ tiêm, tôi tin là phí tiêm dịch vụ có thể thấp hơn chi phí của vài lần xét nghiệm.
Giá tiêm sẽ chỉ cao khi khan hiếm hàng hoá, nhưng vaccine hiện đã không còn khan hiếm như trước. Việt Nam mới công bố trong quý bốn có thể nhập tới 50 triệu liều Pfizer, chưa tính các nguồn chưa công bố hoặc đang đàm phán.
Nhà nước đã có kinh nghiệm điều hành giá trần hàng hoá thiết yếu hoặc trợ giá, vaccine có thể được coi là một loại hàng nhà nước sẽ kiểm soát giá trần và tình trạng trục lợi nếu có. Giá tiêm chỉ bị đẩy lên cao nhất khi nguồn cung ở tình trạng độc quyền hoặc kém cạnh tranh. Thị trường cạnh tranh, một số trường hợp có sự điều tiết của nhà nước, mới là phương thức tốt nhất kiểm soát giá hợp lý theo cung cầu.
Mục tiêu lớn nhất của Việt Nam là phủ vaccine nhanh nhất. Một tỷ lệ quan trọng vaccine nhà nước đang phân phối đến từ chương trình Covax - chương trình hỗ trợ các nước nghèo để ít nhất 20% dân được tiếp cận vaccine. Với các cam kết quốc tế, nhà nước phân phối vaccine Covax miễn phí là hoàn toàn đúng để tạo ra công bằng vaccine. Bên cạnh đó, chính phủ đã và đang cung cấp vaccine miễn phí từ các nguồn khác cho dân chúng theo nhóm ưu tiên.
Còn thị trường có thể tham gia vào các ngách khác theo nhu cầu của xã hội, tự tìm kiếm nguồn vaccine theo tiêu chuẩn của nhà nước và được triển khai tiêm dưới sự giám sát của nhà nước. Người sẵn sàng bỏ phí tiêm dịch vụ là người cần nó nhất chứ không phải người giàu nhất.
Trong một số trường hợp hiện nay, ngay cả khi ta đã có tên trong danh sách vẫn chưa được tiêm. Tôi hoàn toàn hiểu vì y tế nhà nước đang ưu tiên chống dịch ở những vùng nguy cấp hơn. Nhưng khi cung lớn hơn cầu thì "dịch vụ" sẽ xuất hiện với những phiên bản xấu xí. Bộ Y tế vừa có công văn cấm việc nhận "bồi dưỡng" của một số cơ sở tiêm. Tôi tin, chúng ta đều hiểu "bồi dưỡng" nghĩa là gì.
Thế giới có hàng trăm loại vaccine đã hoặc đang nghiên cứu phát triển. Danh sách của WHO cho biết có gần 300 loại, gồm Covivac của Việt Nam. Chúng ta sẽ sống chung với virus nên vaccine cũng là một trong số hàng vạn loại dược phẩm và các vaccine khác trên thị trường. Và các vaccine khác cũng đang tồn tại hai hình thức, tiêm miễn phí và dịch vụ. Tất nhiên, tôi xin nhấn mạnh, quyền cấp phép cho vaccine nào lưu hành, được cung cấp dịch vụ thu phí và giá trần vẫn do chính phủ kiểm soát.
Việt Nam đang có những lý do hợp lý về thời điểm và con người để làm việc này.
Thứ nhất, mở rộng kênh tiêm vaccine ra khu vực tư giúp giảm tải cho hệ thống y tế công cộng, đặc biệt ở khâu thu xếp các nguồn lực chống dịch, gồm cả tổ chức tiêm chủng và bố trí nhân viên y tế.
Thứ hai, đây là cuộc chiến chung và nó rất cam go, ta không thể đổ dồn mọi trách nhiệm về vaccine vào một mối.
Thứ ba, đang có những đơn vị tư nhân sẵn sàng đảm nhận việc này, như đề xuất được tiêm dịch vụ mới đây của một bệnh viện tư là một ví dụ. Xã hội hoá dịch vụ có quản lý của nhà nước còn giúp giải phóng nguồn lực của khối tư nhân, gồm các bệnh viện tư và doanh nghiệp. Việt Nam cũng đã cho phép 36 doanh nghiệp được nhập vaccine. Với sự năng động của mình, tôi tin họ có thể tìm kiếm thêm các nguồn vaccine cho Việt Nam.
Việc cho phép mở dịch vụ tiêm vaccine có thể giúp giải phóng một lực lượng y bác sĩ đông đảo, có chuyên môn, cùng hạ tầng y tế đủ chất lượng ở khối tư nhân tham gia tự nguyện vào chiến lược phủ nhanh vaccine của Việt Nam, thay vì phải kêu gọi tình nguyện hay dùng các biện pháp hành chính. Nó giúp những người chưa tiếp cận được vaccine có thêm lựa chọn để thoát khỏi rủi ro nhiễm Covid-19 và duy trì sinh kế.
Nếu nhà nước là trọng tài đảm bảo một sân chơi công bằng, cạnh tranh bình đẳng, trong đó lợi ích người dân được đặt lên trên hết thì các nhà cung cấp dịch vụ vaccine sẽ tự cạnh tranh nhau theo luật chơi. Cạnh tranh minh bạch là đối trọng của độc quyền cũng như lợi ích nhóm nếu có.
Thế giới đang rất gần ngày không còn khan hiếm vaccine nữa mà câu chuyện giờ đây là ở khâu phân phối và triển khai tiêm.
Tại sao việc này lại cần ngay chứ không phải đợi hệ thống y tế công tiêm xong cho 70% dân rồi mới cho mở dịch vụ? đơn giản lúc ấy có thể là quá muộn. Khi các nguồn lực trong xã hội sẵn sàng thì đừng dồn áp lực cho một mình chính phủ.
Dương Minh Việt