Vào thế kỷ 19, bệnh dại là nỗi kinh hoàng vì khiến người nhiễm thay đổi hành vi như sợ nước, lú lẫn, tăng tiết nước bọt, gây hấn không kiểm soát... Nhiều bệnh nhân thậm chí tự tử khi bị động vật nghi mắc bệnh dại cắn. Nhà sử học Eugen Weber (Mỹ) từng nhận xét nông dân Pháp sợ "chó sói, chó điên và lửa", trong đó bệnh điên ở loài chó được gọi là "cơn ác mộng trong nhiều thế kỷ".
Louis Pasteur khi đó 59 tuổi (năm 1881) rất nổi tiếng khi nghiên cứu thành công vaccine bệnh than, cho rằng dại có thể chế ngự bằng vaccine. Hành trình nghiên cứu loại vaccine này được đánh giá là vụ cá cược khoa học táo bạo: thành công, căn bệnh ghê gớm này được chứng minh do virus gây ra. Nếu thất bại, nhà khoa học không bảo vệ được lý thuyết mầm bệnh (bệnh truyền nhiễm gây ra do virus, vi khuẩn, mặc dù các tác nhân gây bệnh khó quan sát được dưới kính hiển vi), "tôn giáo" y học ông tin tuyệt đối.
Phòng thí nghiệm Rue d'Ulm ở Paris, Pháp của ông thời đó nhốt đầy những con chó loạn trí, gào thét trong lồng. Pasteur và các trợ lý luôn bận rộn nghiên cứu con vật, tin rằng trong nước dãi của con chó có mầm bệnh, gọi là virus. Emile Roux, cộng sự thân cận của Pasteur, giải thích: "Ông nghĩ rằng giải quyết được vấn đề bệnh dại sẽ là phước lành của nhân loại và chiến thắng rực rỡ cho lý thuyết mầm bệnh".
Nỗ lực ban đầu của Louis Pasteur nhằm phân lập virus dại không thành công. Mầm bệnh vẫn vô hình, chỉ nghiên cứu được trong cơ thể của các sinh vật sống, khó hiểu hơn bệnh than. Các nghiên cứu của nhóm Pasteur tiếp bước nhà nghiên cứu thú y Pierre-Victor Galtier, người công bố thí nghiệm về việc tiêm nước bọt có mầm bệnh dại trên thỏ và căn cứ trên phát hiện bác sĩ Henri Duboué về vị trí của bệnh trong não. Họ lây nhiễm trực tiếp virus dại vào não của thỏ thông qua một lỗ khoan từ hộp sọ, để các triệu chứng xuất hiện nhanh, dễ dự đoán hơn.
Sau đó, nhóm nghiên cứu tiếp tục truyền mầm bệnh dại qua chuỗi 21 con thỏ để thu được virus có độc lực ổn định rồi treo các phần tủy sống của thỏ trong bình để làm khô trong môi trường không có hơi ẩm, khiến độc tính của virus giảm dần cho đến khi đạt tiêu chuẩn để làm vaccine.
Dù vậy, Pasteur chưa thử nghiệm trên người do ông không phải bác sĩ. Tháng 7/1885, phòng thí nghiệm của Pasteur tiếp nhận cậu bé Joseph Meister (9 tuổi), bị chó dại của hàng xóm cắn 14 vết. Nhà khoa học nhận định em bé sẽ tử vong, miễn cưỡng thử nghiệm phương pháp này trên người. Trong hơn ba tuần, Meister được tiêm 13 loại vaccine thí nghiệm có độc lực tăng dần. Cậu bé vẫn khỏe mạnh và trưởng thành, là người đầu tiên sống sót sau khi bị chó dại cắn.
Kế thừa phương pháp nghiên cứu vaccine dại của Pasteur, các thế hệ vaccine dại mới cũng lần lượt ra đời. Năm 1954, phương pháp sản xuất vaccine dại Fuenzalida từ mô não chuột được áp dụng, có độ an toàn cao hơn so với các loại vaccine thế hệ thứ nhất. Vaccine này đã được nhiều nước sản xuất và sử dụng như: Pháp, Nga, Cuba, Indonesia, Ấn Độ. Năm 1963, các nhà sản xuất tiếp tục nghiên cứu ra phương pháp sản xuất vaccine dại bất hoạt trên tế bào vero.
Nhìn lại hành trình phát triển và ý nghĩa của vaccine dại trong lịch sử, bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết công trình của Louis Pasteur giúp mở ra thời kỳ nhân loại chiến thắng được bệnh dại. Hàng tỷ triệu liều vaccine đã được sản xuất và sử dụng trong 138 năm qua, tính từ phát minh vaccine dại đầu tiên của Pasteur. Ngày 28/9 hàng năm kỷ niệm ngày mất của nhà khoa học Louis Pasteur, cũng được chọn là ngày Thế giới phòng chống bệnh dại.
Theo bác sĩ Chính, bệnh dại là vấn đề y tế công cộng được quan tâm hàng đầu tại Việt Nam. Công nghệ sản xuất vaccine được triển khai từ rất sớm. Trước năm 1974, vaccine dại chủ yếu được sản xuất từ não cừu, dê, chứa virus chưa bất hoạt và tính sinh miễn dịch thấp nên phải tiêm nhiều mũi và liều tiêm lớn. Từ tháng 9/2008, Việt Nam chuyển hoàn toàn sang dùng vaccine thế hệ mới nhập khẩu như Verorab (Pháp), Abhayrab (Ấn Độ)... với độ tinh khiết cao, an toàn và ít các phản ứng bất lợi như vaccine thế hệ cũ.
Tuy nhiên, cộng đồng còn tồn tại quan điểm nghi ngại về phản ứng bất lợi của vaccine dại. Nhiều trường hợp từ chối tiêm chủng nên tử vong đáng tiếc. Nhân ngày Thế giới phòng chống bệnh dại, bác sĩ cho biết vaccine dại là thành quả lao động không ngừng nghỉ của nhiều thế hệ để bảo vệ loài người, nên được hiểu đúng và sử dụng đúng để tạo ra cộng đồng khỏe mạnh.
Bác sĩ Chính cho biết vaccine dại cần được tiêm càng sớm càng tốt để cơ thể có đủ thời gian hình thành được miễn dịch. Nếu tiêm muộn, đặc biệt với những vết cắn ở gần hệ thần kinh trung ương như đầu, mặt, cổ, đầu mút ngón tay, ngón chân... thì virus dại sẽ nhanh chóng di chuyển lên não gây tổn thương thần kinh. Lúc này, người bệnh dù có tiêm vaccine đủ liều cũng vô ích vì cơ thể chưa đủ thời gian tạo ra kháng thể đủ để trung hòa virus dại.
"Ngày nay, công nghệ sản xuất vaccine dại thế hệ mới đã được kiểm định và khẳng định tính an toàn, đáp ứng miễn dịch cao sau khi tiêm đủ liều. Vaccine phòng dại thế hệ mới không chứa các tế bào thần kinh nên không gây hại và không ảnh hưởng đến sức khỏe hay trí nhớ của người dùng", bác sĩ Chính nói.
Theo bác sĩ Chính, người chưa bị chó, mèo hoặc động vật nghi dại cắn cũng có thể tiêm dự phòng vaccine dại. Lịch tiêm có 3 mũi và một mũi tiêm nhắc với những người có nguy cơ cao và không cần dùng huyết thanh kháng dại dù có vết thương nặng. Những người có nguy cơ cao gồm trẻ em thường xuyên chơi với chó, mèo, những người canh giữ rừng phòng hộ, nhân viên thú y, những người đi du lịch ở nơi khó tiếp cận vaccine dại và huyết thanh sẵn.
Chi Lê - Mộc Thảo
(Theo Gavi, Wired, The Conversation)