Thông tin được chủ tịch Olivier Bogillot đưa ra hôm 15/11, vài ngày sau khi hãng dược Mỹ Pfizer và đối tác BioNTech của Đức thông báo vaccine của họ có hiệu quả 90%. Pfizer dự kiến cung cấp 50 triệu liều trên trên toàn cầu vào cuối năm 2020, dự kiến đạt 1,3 tỷ liều năm 2021.
Tuy nhiên, vaccine Covid-19 của Pfizer cần được bảo quản ở mức nhiệt -70 độ C. Điều này vượt quá khả năng của hầu hết các bệnh viện. Rachel Silverman, chuyên gia chính sách tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu, cảnh báo việc duy trì "dây chuyền siêu lạnh" từ nhà máy đến bệnh viện là "thách thức to lớn ngay cả đối với phương Tây".
Trong khi đó, sản phẩm của Sanofi có yêu cầu đơn giản hơn. "Vaccine của chúng tôi giống như vaccine cúm, bạn có thể giữ nó trong tủ lạnh. Điều này sẽ thuận lợi cho một số quốc gia", ông Bogillot nói.
Ông cho biết thêm vaccine của Sanofi dự kiến phân phối vào tháng 6 năm sau. Kết quả thử nghiệm giai đoạn 2, trên hàng trăm tình nguyện viên sẽ được công bố đầu tháng 12. Nếu tình hình khả quan, hãng sẽ bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 3 và sản xuất hàng loạt.
Thực tế, việc vận chuyển vaccine trong môi trường siêu lạnh đến các quốc gia châu Á, châu Phi hay Mỹ Latinh đã được các hãng dược tính đến từ khi bắt đầu phát triển sản phẩm. Những khu vực này có khí hậu nhiệt đới và lượng tủ đông lạnh ít. Tại bệnh viện và trung tâm y tế, số lượng kho chứa chuyên dụng vô cùng hạn chế. Tủ siêu lạnh khá hiếm hoi, bởi chúng không cần thiết đối với vaccine và thuốc men thông thường. Vậy nên, việc phân phối vaccine đến những khu vực này trở nên hóc búa.
Để giải quyết bài toán đông lạnh vaccine, Pfizer tạo ra loại hộp lạnh kích thước bằng một chiếc vali, có thể chứa từ 1.000 đến 5.000 liều trong 10 ngày, sau đó phải bổ sung thêm đá khô. Sau khi rã đông, lọ thuốc sẽ được bảo quản trong tủ lạnh lâu nhất là hai ngày. Hãng cũng tìm cách cho ra đời vaccine dạng bột, có thể cất giữ trong điều kiện nhiệt độ cao hơn.
Hiện thế giới có 11 "ứng viên" vaccine trong thử nghiệm giai đoạn 3, hơn 100 loại khác đang được phát triển.
Thục Linh (Theo AFP)