Dữ liệu được công bố hôm 17/11 trên tạp chí khoa học hàng đầu Lancet, cho thấy kết quả vaccine sinh kháng thể thấp ở cả hai giai đoạn thử nghiệm ban đầu. Tuy nhiên, lãnh đạo Sinovac vẫn tin rằng vaccine Covid-19 của họ có hiệu quả và đủ khả năng miễn dịch.
Trong khi đó, hai hãng Moderna và Pfizer cho biết kháng thể ở người tiêm vaccine Covid-19 của mình trong các cuộc thử nghiệm cao hơn so với bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục. Kết quả bước đầu của hai đơn vị này đã khiến Sinovac "yếu" hơn trong cuộc đua hiệu quả của vaccine trong giai đoạn ba.
Thomas Campbell, Phó Trưởng khoa Nghiên cứu lâm sàng tại Đại học Colorado, cho rằng mức độ kháng thể thấp trong thử nghiệm giai đoạn hai của Sinovac là một điều đáng lưu tâm. Kết quả này cũng đặc biệt khi so sánh với mức độ tạo kháng thể với vaccine Moderna và Pfizer trong cùng giai đoạn thử nghiệm.
Thử nghiệm giai đoạn một của Sinovac khởi động hồi tháng 4, với hơn 140 người tham gia. Giai đoạn hai bắt đầu vào tháng 5 với 600 tình nguyện viên. Đối tượng tham gia nghiên cứu có độ tuổi 18-59, tại một quận của Giang Tô, miền Nam Trung Quốc. Tất cả đều không có tiền sử mắc Covid-19, chưa đi đến các khu vực có nguy cơ nhiễm cao và không có dấu hiệu sốt tại thời điểm tham gia.
Trong giai đoạn một, 23 người trong số 96 người tiêm vaccine gặp tác dụng phụ nhẹ, như đau tại vị trí tiêm. Một người bị phát ban nghiêm trọng và hồi phục sau ba ngày sau điều trị. Ở giai đoạn hai, cơ thể tạo kháng thể nhanh chóng, đáp ứng tiêm ngừa vaccine Covid-19, tuy nhiên lượng kháng thể thấp hơn so với bệnh nhân đã hồi phục.
Thử nghiệm giai đoạn ba của Sinovac đang được thực hiện tại Indonesia, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ với hơn 24.000 tình nguyện viên. Người phát ngôn của Sinovac cho biết công ty không thể đưa ra tỷ lệ hiệu quả sơ bộ của thử nghiệm giai đoạn ba ngay lập tức, vì chưa đủ ca mắc Covid-19 trong quần thể nghiên cứu. "Chúng tôi cần thêm một số trường hợp nhiễm để phân tích dữ liệu", ông cho hay.
Campbell cho rằng Moderna và Pfizer có thể sớm cung cấp kết quả sơ bộ của giai đoạn ba một phần bởi sự leo thang dịch tại Mỹ, khiến số trường hợp mắc Covid-19 trong quần thể nghiên cứu đủ để phân tích.
CoronaVac do công ty Sinovac nghiên cứu là một trong 11 ứng viên dẫn đầu trên toàn cầu, đang trong giai đoạn thử nghiệm giai đoạn ba. Hồi tháng 9, công ty Sinovac cho biết sẵn sàng phân phối vaccine Covid-19 vào đầu năm 2021 trên toàn thế giới. Giám đốc điều hành của Sinovac, Yin Weidong, người đã tiêm vaccine thử nghiệm, cho biết rằng ông tin tưởng CoronaVac đáp ứng các tiêu chuẩn quy định của Mỹ và Liên minh châu Âu. Ông nói: "Mục tiêu của chúng tôi là cung cấp vaccine cho thế giới".
Vaccine Pfizer là sản phẩm đầu tiên thế giới hoàn tất thử nghiệm giai đoạn ba với hiệu quả 95%. Vaccine Moderna vẫn trong thử nghiệm giai đoạn ba song hiệu quả sơ bộ ghi nhận là 94,5%. Vaccine Sputnik của Nga cũng được tuyên bố hiệu quả 92%, tuy nhiên các dữ liệu nghiên cứu không được công bố chi tiết.
Nguyễn Ngọc (Theo Washington Post, Independent)