Pfizer hôm 20/9 cho biết vaccine của hãng hiệu quả với trẻ em 5-11 tuổi trong các thử nghiệm lâm sàng. Hãng đang thảo luận với Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) để xin cấp phép vaccine cho nhóm tuổi này.
Vaccine cho trẻ em khác với loại tiêm ở người lớn, ít nhất về liều lượng. Trẻ em có hệ miễn dịch khác biệt so với người trưởng thành.Vì vậy Pfizer thử nghiệm liều dùng thấp hơn (10 microgram) với trẻ 5-11 tuổi, thay vì 30 microgram như ở người lớn. Các nhà khoa học nhận ra trẻ em vẫn có phản ứng miễn dịch mạnh mẽ dù liêm vaccine liều thấp.
Trên thực tế, liều lượng này thậm chí phù hợp với cả người lớn, theo tiến sĩ Robert Frenck, chỉ đạo thử nghiệm vaccine tại Bệnh viện Nhi Cincinnati.
"Chúng tôi đã thử nghiệm liều 10 microgam, 20 microgam và 30 microgam với người trưởng thành và nhận thấy ở nhóm 18-55 tuổi, 10 microgam thôi cũng đem lại phản ứng miễn dịch rất tốt", ông nói. "Nhưng người từ 65 tuổi trở lên không đáp ứng miễn dịch với liều thấp. Đó là lý do chúng tôi lựa chọn tiêm 30 microgram ở tuổi trưởng thành nói chung".
Liều lượng hiệu quả với người già và được dung nạp tốt ở người trẻ. Trong bối cảnh eo hẹp về thời gian, các nhà khoa học cho rằng đây là lựa chọn tối ưu.
Tiến sĩ Frenck cho biết vaccine liều 10 microgram cũng hiệu quả ở cả trẻ em từ 12-18 tuổi. Đối với nhóm nhỏ nhất, trẻ dưới 5 tuổi, các nhà khoa học đang thử nghiệm liều 3 microgram.
Tiêm liều thấp hơn cũng giúp giảm tác dụng phụ của vaccine xuống mức tối thiểu.
"Tác dụng phụ ở trẻ em cũng giống hệt người lớn", ông Frenck nói. "Phổ biến nhất là đau tại vùng tiêm, ngoài ra còn có đau đầu và mệt mỏi. Sốt và ớn lạnh có tỷ lệ thấp hơn, khoảng 10-11% trẻ gặp tình trạng này. Giống với người lớn, tác dụng phụ ở trẻ kéo dài một hoặc hai ngày, sau đó các em trở lại bình thường".
Nhiều phụ huynh lo lắng về chứng viêm cơ tim, từng được báo cáo ở người tiêm vaccine Moderna và Pfizer. Tiến sĩ Frenck cho biết đây là tác dụng phụ hiếm gặp, tỷ lệ là một vài trường hợp trên 100.000 người tiêm. "Tức là 99,999% sẽ không gặp triệu chứng này. Hầu hết chúng được phát hiện ở nam thanh thiếu niên, biểu hiện nhẹ, có thể điều trị bằng Motrin (ibuprofen) và tất cả đều hồi phục", ông giải thích thêm.
Tiến sĩ Frenck lưu ý trẻ em tiêm vaccine Pfizer không gặp tác dụng phụ đông máu, giảm tiểu cầu từng thấy ở vaccine Johnson & Johnson hoặc AstraZeneca.
"Ngoài các thử nghiệm lâm sàng, chúng tôi đã tiêm hàng trăm triệu liều vaccine cho người lớn và thanh thiếu niên. Nếu không có vấn đề gì xảy ra sau hàng trăm triệu liều đó, sẽ không có vấn đề với trẻ em. Các bậc phụ huynh không cần lo lắng bởi vaccine đã được tiêm rất rộng, và hàng trăm triệu người vẫn an toàn", ông nói.
Bên cạnh đó, trẻ em tiêm vaccine Pfizer vẫn có thể dùng vaccine cúm.
"Về cơ bản, bạn có thể tiêm bất cứ loại vaccine nào cùng nhau. Hạn chế duy nhất là không nên tiêm hai loại vaccine chứa virus sống như sởi hoặc thuỷ đậu cùng một ngày. Thời gian lý tưởng là cách nhau một tháng. Như với vaccine Covid-19, bạn có thể tiêm chủng với vaccine cúm", tiến sĩ Frenck giải thích.
Thanh thiếu niên có thể tiêm đồng thời vaccine viêm não mô cầu, HPV, uốn ván, bạch hầu, ho gà,... mà không cần trì hoãn bất cứ mũi nào. Theo ông Frenck, hệ thống miễn dịch có thể xử lý tất cả các loại vaccine cùng lúc.
FDA cũng đang xem xét phê duyệt vaccine Moderna cho trẻ 5-11 tuổi. Hãng dự kiến sẽ công bố dữ liệu cụ thể vào cuối năm nay. Vaccine đã được chấp thuận khẩn cấp cho người từ 18 tuổi trở lên, liều lượng cao hơn Pfizer (100 microgam). Cả hai loại vaccine đều sử dụng công nghệ mRNA.
Johnson & Johnson đang thảo luận với các cơ quan quản lý về kế hoạch mở rộng thử nghiệm ở thanh thiếu niên và trẻ em, dự kiến bắt đầu vào mùa thu.
Các chuyên gia nhận định tiêm phòng cho trẻ em là mục tiêu giúp kiểm soát đại dịch trong giai đoạn mới. Trong tuần qua, 30% số ca nhiễm nCoV tại Mỹ là người dưới 18 tuổi, trong khi nhóm này chỉ chiếm 20% dân số.
Dù trẻ em và thanh thiếu niên chỉ có triệu chứng nhẹ, ít phải nhập viện hơn người lớn, chúng vẫn có thể chuyển nặng nhanh chóng. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, đến nay, 548 trẻ em Mỹ đã chết vì Covid-19.
Thục Linh (Theo CNN)