Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), trong hơn 22 triệu liều vaccine được phân phối khắp cả nước, chỉ khoảng 6,7 triệu người được tiêm mũi đầu tiên.
Các chuyên gia phân tích chậm trễ trong triển khai tiêm chủng trên quy mô lớn là điều không thể tránh khỏi. Cần nhiều nhân lực, thời gian để tiến hành tiêm chủng và theo dõi số lượng người bệnh khổng lồ như hiện nay. Một số cơ sở y tế buộc phải điều phối nhân viên để tránh tập trung quá nhiều người ở một nơi.
Một trong những nguyên nhân khiến các bệnh viện phải vứt bỏ vaccine trong thời buổi khan hiếm là sự khác biệt giữa cung và cầu. Nhiều người thuộc nhóm ưu tiên - các nhân viên y tế hoặc bệnh nhân nội trú - không muốn, hoặc chưa muốn tiêm vaccine.
Trong khi đó, hôm 8/1, Hiệp hội Y tế Mỹ bày tỏ lo ngại một số nhân viên y tế sẽ gặp khó khăn tiếp cận vaccine do không được các bệnh viện hoặc trung tâm y tế tuyển dụng.
Để đẩy nhanh tiến độ, chính phủ yêu cầu chuyển vaccine sang nhóm người lớn tuổi hoặc nhóm nguy cơ mắc bệnh cao. Tuy nhiên, một số bang vẫn tập trung tiêm vaccine cho nhóm nhân viên y tế. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có những liều vaccine không được sử dụng đến.
Hôm 8/1, tiến sĩ Neil Calman, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Viện Sức khỏe Gia đình, một tổ chức y tế phi lợi nhuận, cho biết: "Chúng tôi đều nghĩ đến viễn cảnh khan hiếm. Nhưng trái lại, đến giờ vẫn còn rất nhiều vaccine. Cung cấp vaccine theo từng đợt không hiệu quả bởi bất kỳ liều một liều tiêm không dùng đến bằng một mạng sống không được cứu".
Tối 5/1, tại Trung tâm Sức khỏe Gia đình Harlem ở New York, nhiều nhân viên y tế trong danh sách tiêm vaccine đã không xuất hiện tại buổi hẹn tiêm chủng. Do các liều tiêm sẽ hết hạn trong vòng 6 giờ sau khi lấy ra khỏi lọ đựng, các y tá phải đi tìm những người thuộc nhóm ưu tiên ở nhà thuốc, trạm cứu hỏa và khu dân cư.
Họ không thể tiêm vaccine tùy tiện bởi theo quy định ở New York, họ sẽ đối mặt với án phạt lên tới một triệu USD. Kết thúc buổi tối, vẫn còn 3-4 liều vaccine chưa được sử dụng và phải tiêu hủy.
Sau khi Thống đốc và Thị trưởng New York yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, từ ngày 11/1, ngoài nhân viên y tế, New York sẽ tiến hành tiêm vaccine cho giáo viên và người dân từ 75 tuổi trở lên.
Calman cho rằng: "Duy trì nhóm ưu tiên rất quan trọng nhưng các nhân viên y tế cần được quyền quyết định người tiêm vaccine dựa trên đánh giá chuyên môn"
Legacy Health, hệ thống y tế phi lợi nhuận sở hữu 6 bệnh viện tại Oregon và tây nam Washington, xác nhận họ phải vứt bỏ 27 liều vaccine Covid-19 của Pfizer/BioNTech do hết hạn sử dụng. Theo người phát ngôn của tập đoàn, Legacy đáng lẽ có thể có thể tiêm thêm cho khoảng 25 người.
Rick Pollack, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Hiệp hội Y tế Mỹ, cho biết: "Tiêm chủng trên quy mô lớn là quá trình phức tạp và khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn đầu. Chúng tôi mong đợi vấn đề này sẽ được giải quyết và tiến độ tiêm chủng sẽ tăng đáng kể trong những tuần tới".
Tại các cơ sở chăm sóc dài hạn, tiến độ vaccine cũng rất chậm, hơn 4 triệu liều được cung cấp nhưng chỉ khoảng 700.000 người được tiêm mũi đầu tiên.
Chính phủ đã hợp tác với hai công ty dược phẩm là CVS và Walgreens để đẩy nhanh quá trình triển khai vaccine tại các cơ sở chăm sóc dài hạn. Trong một tuyên bố, CVS cho biết số người dân tham gia tiêm vaccine thấp hơn 20-30% dự báo ban đầu.
Hải Chi (Theo CNN)