Tháng 12/2019, giới chức thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, lần đầu báo cáo các ca viêm phổi lạ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Ngày 7/1, nhà chức trách Trung Quốc tuyên bố căn bệnh lạ do nCoV gây ra.
Ngày 16/3, năm ngày sau khi WHO tuyên bố Covid-19 là đại dịch, Moderna, Mỹ, là hãng dược đầu tiên bắt đầu các cuộc thử nghiệm vaccine. Không lâu sau đó, một số công ty khác tiến hành các nghiên cứu riêng biệt. Tới nay, hơn 50 ứng viên vaccine Covid-19 dự kiến được thử nghiệm trên người, trong đó 10 vaccine đang thử nghiệm giai đoạn ba, một vaccine là sản phẩm của hai đối tác Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) hoàn tất giai đoạn ba với hiệu quả 95%.
Các "ứng viên" tiềm năng có thể được phân phối rộng rãi vào đầu hoặc giữa năm 2021. Nhóm người có nguy cơ cao nhiễm bệnh có thể tiếp cận vaccine sớm nhất vào tháng 12 năm nay0.
Vaccine cúm
Vaccine cúm mất 12 năm sau lần phân lập virus đầu tiên trong phòng thí nghiệm mới được cấp phép.
Năm 1933, ba nhà khoa học người Anh Wilson Smith, Christopher Andrewes và Patrick Laidlaw phân lập thành công virus cúm, bắt đầu nghiên cứu phát triển kháng thể ở loài chồn hương.
Sau 5 năm, Jonas Salk và Thomas Francis phát triển vaccine cúm A đầu tiên. Sau đó, ông Francis tiếp tục nghiên cứu vaccine cúm B. Hai nhà khoa học tạo ra vaccine cúm hai thành phần năm 1942.
Năm 1944, những liều tiêm phòng cúm đầu tiên được dùng phục vụ quân đội. Một năm sau, vaccine được cấp phép sử dụng cho người dân sau thử nghiệm thành công trên sinh viên và các binh lính.
Trong đợt bùng phát dịch cúm năm 1947, các nhà nghiên cứu phát hiện những chủng virus cúm mới xuất hiện hàng năm, đặt ra yêu cầu cần có các loại vaccine phòng ngừa khác nhau. Năm 1948, WHO thành lập Trung tâm Cúm đầu tiên tại London. Trung tâm trên khắp thế giới tiếp tục các nghiên cứu vaccine cúm mới cho tới ngày nay.
Vaccine đậu mùa
Năm 1796, bác sĩ người Anh Edward Jenner thử nghiệm thành công vaccine đậu mùa sau khi tiêm cho một cậu bé có triệu chứng tương tự căn bệnh. Ông báo cáo kết quả với Hiệp hội Y khoa Hoàng gia, tuy nhiên không được chấp thuận.
Tiếp tục thử nghiệm thành công với 22 bệnh nhân khác, Jenner tự công bố kết quả trên một ấn phẩm năm 1798, vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Tin tức về vaccine đậu mùa của Jenner nhanh chóng lan truyền sau khi bác sĩ Henry Cline tái tạo thành công kết quả nghiên cứu của ông.
Tại thời điểm đó, các ủy ban cố vấn chưa được thành lập để kiểm tra tính an toàn, hiệu quả của vaccine. Jenny có thể tùy ý cung cấp vaccine cho bất kỳ ai yêu cầu. Tới năm 1800, sản phẩm được phân phối tới hầu hết các nước châu Âu. Hai năm sau, bác sĩ Benjamin Waterhouse tiến hành tiêm thử nghiệm vaccine công khai tại Boston. 19 tình nguyện viên được tiêm chủng thành công.
Cùng với sự phát triển của công nghệ kim tiêm và chương trình thúc đẩy tiêm chủng của WHO, năm 1980, đậu mùa trở thành căn bệnh truyền nhiễm đầu tiên được đẩy lùi hoàn toàn bằng vaccine.
Nỗ lực kéo dài hàng thế kỷ mở đường cho nhiều loại vaccine khác ra đời, ngành sức khỏe cộng đồng đạt được nhiều thành tựu, làm tiền đề cho những nỗ lực dập tắp đại dịch Covid-19 hiện tại.
Bại liệt
35 năm sau lần đầu phát hiện kháng thể bại liệt ở những con khỉ nhiễm virus, các nhà khoa học thế giới mới tiến hành hai thử nghiệm lâm sàng đầu tiên. Dự án diễn ra năm 1935 với 21.000 trẻ em tham gia. Song, rất nhiều trẻ bị bại liệt, dị ứng sau khi tiêm chủng, một vài em tử vong.
Gần hai thập kỷ sau, vào năm 1952, Jonas Salk phát triển một vaccine từ virus bại liệt sống. Dù kết quả thử nghiệm ban đầu cho thấy các liều tiêm tạo kháng thể, Salk vẫn cảnh báo sẽ mất thời gian để chứng minh sự an toàn và hiệu quả.
Năm 1955, vaccine bại liệt của Salk đạt độ bảo vệ 80-90% trong cuộc thử nghiệm 1,3 triệu trẻ em tham gia. Các liều tiêm nhanh chóng được chính phủ Mỹ cấp phép. Sau khi giới chức báo cáo 260 ca bại liệt liên quan tới vaccine do Phòng thí nghiệm Cutter sản xuất, việc phân phối bị đình chỉ.
Chương trình tiêm chủng tiếp tục vào mùa thu năm 1955. Năm 1994, Tổ chức Y tế liên châu Mỹ tuyên bố xóa sổ hoàn toàn bại liệt tại châu Mỹ.
Sốt thương hàn
Almroth Wright, một trong ba nhà khoa học khám phá ra vaccine thương hàn thử nghiệm vaccine trên hai sĩ quan quân y người Ấn Độ, trên chính cơ thể ông và cộng sự, cùng 15 binh sĩ người Anh. Năm 1899, quân đội Anh được tiêm những liều vaccine thương hàn đầu tiên. Gần 15.000 binh sĩ đã chủng ngừa, tỷ lệ sốt thương hàn tại quân đội giảm đáng kể.
Vaccine thương hàn được phân phối rộng rãi tại Mỹ năm 1914. Ngày nay, người Mỹ được khuyến cáo tiêm phòng thương hàn trước khi di chuyển tới các khu vực có dịch bệnh. Các chiến dịch tiêm chủng vẫn được tiến hành ở một số nước Nam Á và châu Phi.
Lê Hằng (Theo Business Insider)