Những tín hiệu tích cực đối với ngành du lịch được nhìn thấy ngay lập tức. Theo Skyscanner, nhiều du khách bắt đầu nghiên cứu, tìm kiếm các chuyến đi tiếp theo của họ. Lượng truy cập vào trang web này tăng đột biến ngay khi tin tức về vaccine được công bố.
Anh bắt đầu phân phối vaccine Pfizer cho một số đối tượng được ưu tiên như người già, những người làm việc trong tuyến đầu có khả năng lây nhiễm Covid-19 cao. Người Mỹ đang chờ quyết định từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) - nghĩa là phải mất vài tháng nữa những thanh niên khỏe mạnh trong cộng đồng mới có thể tiếp cận được vaccine, và mất nhiều năm nữa mọi người trên khắp thế giới mới có cơ hội tiêm vaccine phòng loại bệnh này. Điều đó đặt ra những câu hỏi lớn về ý nghĩa của vaccine Covid-19 đối với ngành du lịch.
Các hãng hàng không có thể là những đơn vị đầu tiên yêu cầu du khách tiêm phòng trước khi bay. Tuy nhiên cho đến nay, Qantas là hãng bay đầu tiên và duy nhất thông báo về dự định này.
Ed Bastian, CEO Delta, thông báo vào 12/12 rằng có thể các thông tin yêu cầu khách phải tiêm vaccine sẽ được đưa ra trên các chặng quốc tế. Tuy nhiên, yêu cầu này có thể đến từ các cơ quan chức năng quốc tế, chứ không phải các hãng bay.
Jill Chung, phát ngôn viên của Korean Air, cũng nói rằng các hãng hàng không có thể yêu cầu tiêm phòng trong tương lai. Nhưng điều này có thể thực hiện khi các chính phủ mở cửa biên giới, dỡ bỏ quy định kiểm dịch.
Hội đồng Sân bay Quốc tế (ACI), đại diện cho các sân bay trên thế giới, cho biết không yêu cầu hành khách phải tiêm vaccine. Thay vào đó, họ đề xuất các sân bay tự quyết định yêu cầu tiêm chủng hoặc xét nghiệm hành khách. Nỗi e ngại của những người làm trong ngành dịch vụ chính là yêu cầu tiêm chủng trong giai đoạn vaccine chưa phổ biển như hiện nay có thể ngăn cản mọi người đi du lịch. Điều này sẽ làm thiệt hại thêm cho ngành công nghiệp hàng không và du lịch vốn đã kiệt quệ trước đó.
Luis Felipe de Oliveira, giám đốc ACI, cho biết yêu cầu tiêm phòng giống như kiểm dịch, thực sự đã ngăn chặn sự hồi phục phát triển của ngành công nghiệp hàng không. Cố vấn y tế của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế trong một cuộc họp vào tháng 11 cũng đưa quan điểm các hãng bay và chính phủ cần làm việc cùng nhau. Sau đó, họ cần công bố một quy trình kiểm tra tiêu chuẩn, nhằm loại bỏ việc kiểm dịch và thúc đẩy mở cửa biên giới.
Dù nhiều điểm đến yêu cầu du khách nộp xét nghiệm Covid-19 âm tính, cho đến nay chưa quốc gia nào công bố kế hoạch yêu cầu khách phải tiêm chủng. Tuy nhiên, ý tưởng này không mới. Trước đây, hàng chục nước từng yêu cầu khách du lịch phải được tiêm ngừa bệnh sốt vàng (Yellow fever virus) trước khi nhập cảnh.
Bên cạnh đó, việc tiêm vaccine cho tất cả mọi người trên thế giới có thể không khả thi. Sẽ có những hành khách, vì lý do cá nhân, tôn giáo, y tế có thể chọn không tiêm phòng. Tình trạng này có thể dẫn đến một loạt các rắc rối xảy ra trên các chuyến bay, như vấn đề các hãng bay khắp thế giới phải đối mặt khi yêu cầu khách đeo khẩu trang. Delta, United và Alaska Airlines, ba hãng bay Mỹ, đã phải cấm hơn 900 người từ chối tuân thủ quy định mới này. Việc yêu cầu cung cấp giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 cũng dẫn đến thị trường chợ đen cung cấp các kết quả giả mạo.
Một số ý kiến cũng bày tỏ lo lắng những người không dễ dàng tiếp cận dịch vụ y tế tốt có thể bị phân biệt đối xử vì yêu cầu tiêm vaccine. Và quy định tiêm chủng sẽ dần biến việc đi lại thành một vấn đề liên quan đến đặc quyền.
Câu hỏi về thời gian vaccine có khả năng giúp con người chống lại Covid-19 cũng là vấn đề. Các nhà khoa học vẫn chưa biết khả năng bảo vệ của các loại vaccine kéo dài trong bao lâu, hay liệu tiêm phòng có thể ngăn chặn sự lây nhiễm thực sự, hay chỉ ngăn chặn căn bệnh khởi phát.
Khi vaccine trở nên phổ biến hơn, các hãng hàng không và chính phủ sẽ phải quyết định xem liệu tiêm chủng có cần quy định bắt buộc hay không. Ngoài ra, họ cũng cần lập danh sách chuẩn hóa về những loại vaccine, giấy xét nghiệm được chấp nhận trên toàn cầu.
Anh Minh (Theo Insider)