Covid-19 bùng phát khiến ngành du lịch thế giới có một năm lao đao và tổn thất nặng nề. Để cố gắng tồn tại trong mùa dịch, nhiều đơn vị lữ hành, hàng không, khách sạn khắp thế giới liên tục nghĩ ra các xu hướng mới để phục vụ khách hàng. Dưới đây là một số trào lưu du lịch phổ biến nhất trong năm qua.
Du lịch ảo
Sử dụng công nghệ trong du lịch ngày càng trở nên phổ biến, và công nghệ thực tế ảo sẽ là một trong những ứng dụng quan trọng để hỗ trợ du khách ngồi tại nhà vẫn có thể tham quan khắp nơi qua màn hình máy tính. Ví dụ, bạn có thể tham gia một chuyến tham quan ảo đến ngôi làng của ông già Noel ở Phần Lan, hay tới hàng trăm bảo tàng, phòng trưng bày tốt nhất thế giới từ MoMA ở New York, Mỹ đến bảo tàng State Hermitage ở St Petersburg, Nga. Rất nhiều người đã hào hứng với trào lưu du lịch mới này nhằm thỏa mãn sở thích dịch chuyển.
Những chuyến đi không tới đâu
Đầu tháng 10, hàng trăm hành khách ngồi chật cứng chuyến bay của Eva Air tại sân bay quốc tế Đào Viên. Họ không nhắm đến một điểm đến nào; bởi chuyến bay sẽ hạ cánh đúng nơi khởi hành. Đó là một "chuyến bay không đi đến đâu", đưa hàng trăm người ngắm cảnh vòng quanh hòn đảo. Nhiều hãng bay tại các nơi khác cũng mở bán các chuyến tham quan không đi tới đâu này như Singapore, Australia... Không chỉ các hãng bay, một số hãng tàu du lịch cũng lên kế hoạch cho hành trình tương tự trên biển.
Những chuyến đi không đến đâu là nỗ lực của các hãng hàng không, du thuyền nhằm tăng doanh số bán hàng trong tuyệt vọng. Covid-19 bùng phát khiến nhiều hãng phá sản hoặc gặp khủng hoảng. Và việc tổ chức các hoạt động này giúp họ có thêm thu nhập để tồn tại, qua đại dịch cũng như giúp các hành khách thỏa mãn cơn "thèm" được đi xa.
Giảm giá vào các ngày nghỉ lễ
Trước đại dịch, việc giá phòng khách sạn, máy bay giảm vào trong các dịp nghỉ lễ luôn là điều không tưởng. Nhưng trong Covid-19, khi phần lớn du khách không thể đi đâu, nhiều nơi trên thế giới đã giảm giá "kịch sàn" các sản phẩm du lịch của mình nhằm hút khách. Nhiều hãng lữ hành đang bán các gói du lịch với giá giảm 40% để thu hút khách hàng đi nghỉ dịp cuối năm hay đầu 2021.
Bên cạnh đó, nhiều khách sạn 5 sao trên thế giới cũng tung ra các gói giảm giá, ưu đãi với khách hàng. Một trong số đó là khu nghỉ dưỡng Anantara Veli ở Maldives. Du khách chỉ cần bỏ ra 30.000 USD, bạn được phép lưu trú tại khách sạn này cùng một người nữa không giới hạn số ngày trong năm 2021. Ngoài miễn phí bữa sáng, du khách được nhận nhiều ưu đãi giảm giá cho hai bữa trưa, tối và các dịch vụ trong khách sạn như spa. Nhiều người cho rằng đây là cái giá quá rẻ cho một nơi đến sang trọng như Maldives so với trước dịch bệnh.
Tới các nơi hẻo lánh
Nhằm bảo vệ bản thân trước dịch bệnh và vẫn thỏa mãn niềm đam mê du lịch, dân nhà giàu trên thế giới đã không tiếc tiền để chi cho các gói du lịch sang chảnh ở các nơi hẻo lánh. Đó có thể là một hòn đảo nằm ở hòn đảo xa xôi trên biển, nơi có các khu nghỉ dưỡng rộng thênh thang chào đón một lượng khách nhất định. Mọi người tới đây để nghỉ dưỡng, hoặc làm việc từ xa nhằm cách ly khỏi phần lớn thế giới đang chật vật đối phó với dịch bệnh. Một trong số các quốc gia mở dịch vụ này là Thái Lan, Maldives.
Việc đặt phòng, chuyến bay, tour du lịch linh hoạt chưa từng có
Các đơn vị lữ hành, vận tải, lưu trú phải đối mặt với mối đe dọa lớn từ lệnh cấm du lịch của các nước. Vì vậy, 2020 là năm mà các đơn vị kinh doanh du lịch phải "chiều" khách hết sức, bằng việc linh hoạt ở mức độ cao nhất cho việc hoàn, hủy hoặc đổi ngày đặt phòng, vé... Nhiều công ty không thể hoàn tiền lại cho khách thì sẽ cung cấp các voucher với thời hạn sử dụng kéo dài, để khách có thể sử dụng đi du lịch trong tương lai.
Anh Minh (tổng hợp)