Bà 60 tuổi, mới về hưu, bố mẹ nhờ trông nom bảo vệ cháu vì còn bận đi làm. Đến giờ đi chợ mua rau, nên để bà ra chợ hay để cháu đi theo tiêu chí an toàn nhất về sức khỏe của các thành viên trong gia đình (khỏi bị nhiễm dịch cúm)?
Hẳn bạn đã có câu trả lời ngay rồi. Chúng ta cùng so kết quả sau.
Dịch cúm nCoV hiện cướp đi hàng trăm sinh mạng mỗi ngày trên thế giới với tốc độ lây nhiễm chóng mặt. Các thông tin chúng ta có được trên phương tiện truyền thông thường tập trung vào số người bị nhiễm, số tử vong và số người khỏi bệnh. Những số liệu thống kê chi tiết hơn theo độ tuổi người bị nhiễm bệnh lại không được cung cấp đầy đủ và kịp thời. Do đó, đại đa số các bậc phụ huynh hoang mang và lo lắng về việc có nên cho con em đi học lại hay không và các cuộc tranh luận diễn ra sôi nổi, không ngừng. Để bổ sung thêm một góc nhìn, dưới đây tôi xin trình bày một phân tích nhỏ về nguy cơ lây nhiễm của trẻ cũng như người lớn (đặc biệt là người già) dựa vào các số liệu thực tế có thể thu được.
Thông tin thống kê được lấy từ trang worldometers dựa trên 72 nghìn ca (tính tới ngày 11.02.2020). Bổ sung thêm mật độ dân số, chúng ta có thể tính được phân phối xác suất bị lây nhiễm cũng như phân phối xác suất tử vong trong dân số.
Dựa trên số liệu về tỷ lệ nhiễm theo độ tuổi (cột 2) và tỷ lệ tử vong khi bị nhiễm (cột 3), chúng ta có thể tính được tỷ lệ tử vong theo tổng số nhiễm của mọi lứa tuổi là 2,3%. Số liệu cột (3) cũng cho thấy tỷ lệ tử vong khi bị nhiễm bệnh ở độ tuổi trên 60 là rất cao. Trong khi đó, ở độ tuổi dưới 50 rất thấp. Đặc biệt, chưa có trường hợp tử vong nào được ghi nhận đối với trẻ dưới 10 tuổi.
Quay lại với câu hỏi ban đầu về việc đi chợ. Nếu bà là người ra chợ thì xác suất mang bệnh nCoV về nhà sẽ gấp 19,4 lần so với trường hợp để cháu bé đi chợ. Nếu cả hai bà cháu cùng đi chợ thì xác suất bị nhiễm dẫn đến tử vong của người bà gấp 349,7 lần so với người cháu. Sức đề kháng của cháu cả về việc chống nhiễm bệnh lẫn vượt qua bệnh cao hơn rất nhiều so với của bà.
Một tình huống khác như sau: Sau gần một tháng ở nhà buồn chân, cháu rất muốn đi học. Nhưng bố mẹ cháu vẫn còn lo lắng là cháu không tự bảo vệ được mình. Bố mẹ (50 và 40 tuổi) không muốn cháu bị nhiễm bệnh dịch và cho rằng cháu học chậm một thời gian cũng được, sức khỏe là trên hết. Vậy, với cách ở nhà đợi bố mẹ đi làm về, thực sự sẽ tránh được việc bị mắc bệnh được bao nhiêu?
So sánh xác suất lây nhiễm của hai trường hợp (cháu đến trường và cháu ở nhà), chúng ta được tỷ lệ hai xác suất này là (1+11,4+15,9)/ (11,4+15,9) = 1,037 (xem cột 5 ở bảng 1). Như vậy, việc cháu ở nhà chỉ giảm được khoảng 3% xác suất bị lây nhiễm, vì bố mẹ có khả năng lây nhiễm cao hơn nhiều so với cháu.
Một tình huống khác nữa: Bố mẹ cháu vẫn cho rằng, đến lớp cháu gặp bạn trong lớp (lớp có 40 bạn) thì khả năng lây nhiễm cao. Bố mẹ bảo cháu ở nhà học chương trình online, còn bố mẹ bắt xe buýt tới cơ quan.
Giả sử trên xe buýt cũng chở khoảng 40 người (với hành khách có phân bố độ tuổi như phân bố dân số và số lượng bằng với số học sinh trong một lớp học), tỷ lệ xác suất trên xe có người bị nhiễm bệnh so với xác suất ở lớp có bạn bị nhiễm bệnh là 102,6. Nghĩa là, xác suất có nguồn bệnh ở trên xe buýt gấp khoảng 100 lần so với xác suất có bạn bị nhiễm bệnh ở lớp học.
Vì sao trong mọi trường hợp đều cho thấy, nguy cơ bị nhiễm bệnh của cháu bé rất ít so với người lớn? Điều này chắc chắn liên quan đến sức đề kháng của trẻ và tình trạng sức khỏe (có bệnh nền hay không). Hãy xem thống kê tỷ lệ tử vong khi nhiễm bệnh được thống kê theo bệnh nền như ở dưới đây. Bảng 2 cho thấy người có bệnh tim mạch, tiểu đường, hô hấp và tăng huyết áp cũng như ung thư có tỷ lệ tử vong rất cao. Các bệnh này thường được thấy ở những người có tuổi, người già. Đối với người không có bệnh nền thì tỷ lệ tử vong là 0.9%, nghĩa là 99,1% khỏi bệnh nếu không may bị nhiễm. Trẻ em, người trẻ tuổi dưới 50 nằm trong nhóm này.
Qua phân tích trên, chúng ta có thể rút ra một vài điều như sau:
1. Việc học sinh, sinh viên nghỉ học không thực sự giảm được nhiều khả năng bị nhiễm bệnh. Mức độ giảm chỉ cỡ vài ba phần trăm.
2. Ngay cả trong trường hợp không may bị lây nhiễm, xác suất khỏi bệnh của học sinh, sinh viên cũng rất cao so với các độ tuổi khác (99,8%).
3. Để chống dịch, ngoài học sinh ra thì đối tượng có nguy cơ lây nhiễm và tử vong cao cần được thực sự quan tâm hàng đầu là những người có tuổi (đặc biệt từ 60 tuổi trở lên). Những người có bệnh nền (đặc biệt các bệnh như đã liệt kê ở bảng 2) là những người có nguy cơ cao khi bị mắc nhiễm và tử vong. Như vậy, người có tuổi nên hạn chế chỗ đông người (ví dụ như đi lễ chùa, hội người già).
4. Những nơi có nguy cơ cao vẫn là những nơi tập trung đông người, đa dạng lứa tuổi như bến xe, các lễ hội, các bệnh viện, đặc biệt là các khoa có bệnh nguy hiểm như đã liệt kê ở bảng 2. Đây chính là những nơi cần phải theo dõi và lưu tâm nhiều nhất.
Hãy cùng thảo luận một chút về rủi ro, điều mà chúng ta cũng hay thảo luận những ngày gần đây. Về mặt toán học, rủi ro có thể định nghĩa như sau:
(Rủi ro) = (Xác suất xảy ra) x (Thiệt hại)
Thiệt hại ở đây có thể về người và của. Như vậy, để giảm rủi ro thì hoặc phải giảm xác suất xảy ra sự kiện, hoặc cố gắng giảm thiệt hại khi sự kiện xảy ra, hoặc đồng thời cả hai.
Đối với bệnh dịch nCoV đang hoành hành hiện nay ở nhiều nơi trên thế giới, việc giảm thiệt hại đối với người bệnh được thực hiện bằng cách cố gắng chữa chạy tốt nhất. Ở tình trạng hiện nay, hiệu quả điều trị có xu hướng tốt hơn nhưng tăng chậm. Và nếu phải xử lý với số lượng lớn các ca, nguồn lực y tế cả về con người lẫn thiết bị đều không thể đảm bảo được. Do đó, việc giảm thiệt hại theo hướng này rất ít. Có thể nói, nếu để lây nhiễm diện rộng thì cả hệ thống y tế, xã hội rất dễ "toang". Việc giảm xác suất (lây nhiễm) bằng cách sử dụng các biện pháp phát hiện sớm nguồn gây bệnh, thực hiện cách ly và ngăn chặn từ xa là cách tiếp cận đúng đắn nhất.
Mong muốn cũng như mục tiêu lớn nhất của chúng ta hiện nay là tìm mọi cách để giảm thiểu xác suất xảy ra. Hiện nay có thể hi vọng là không để dịch nCoV xảy ra ở nước ta (tính đến hôm nay không có ca nhiễm bệnh được ghi nhận). Và khi đó, rủi ro của chúng ta sẽ rất nhỏ, coi như bằng không. Mấu chốt quan trọng là phát hiện nguồn gây bệnh. Nếu nguồn gây bệnh phát hiện càng chậm, thì thiệt hại cũng như rủi ro càng lớn, và có thể đến mức chúng ta khó có thể tưởng tượng được.
Hãy xem xét một vài trường hợp cụ thể để hiểu đúng hơn về các tình huống.
Vụ lây nhiễm nổi bật ở Hàn Quốc: địa điểm lây nhiễm là ở nhà thờ, người gây ra lây nhiễm có tuổi 61, nghĩa là không phải trẻ em hay học sinh, sinh viên. Người này bị bệnh nhưng việc giám sát không được thực hiện quyết liệt. Những người bị nhiễm đều do tiếp xúc ở nhà thờ. Nếu cho học sinh, sinh viên nghỉ học trước đó không ngăn cản được việc lây nhiễm này, nghĩa là không thay đổi được sự việc. Ở đây, ý thức của người dân (bị bệnh) và sự quyết tâm của chính quyền (trong vấn đề giám sát người nghi nhiễm bệnh) đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn nguồn bệnh lan rộng.
Vụ lây nhiễm ở Nhật Bản: có ba trẻ em dưới 10 tuổi bị lây nhiễm. Một trong số đó là do đi về (cùng bố, bố bị nhiễm bệnh) từ vùng dịch Vũ Hán và có thể không được kiểm tra giám sát đầy đủ. Tuy nhiên, tất cả các trường hợp đều có tiến triển sức khỏe tốt và có thể không quá lo ngại. Lưu ý, hiện chỉ có 3 bé dưới 10 tuổi bị nhiễm bệnh trên tổng số hơn 186 ca nhiễm bệnh. Tỷ lệ là dưới 2 phần trăm. Sự lây nhiễm ở trong nước có thể do Nhật Bản đã bỏ sót việc kiểm tra và giám sát trường hợp nghi nhiễm.
Ở Iran: đây là ví dụ minh họa cho việc không thể tìm ra được nguồn gây bệnh đầu tiên, cũng như truy tìm được các vết mà bệnh có thể đã và đang lây lan. Hiện tại đã có 22 ca tử vong trên tổng số 141 ca nhiễm được ghi nhận. Đây thực sự là một tình huống cực kỳ nguy hiểm vì số lượng ca nhiễm trên ca tử vong được ghi nhận quá ít khi so với các quốc gia có dịch khác. Điều này cho thấy Iran đang khủng hoảng vì không thể tìm được ra nguồn gây bệnh cũng như vết mà bệnh dịch đã và đang đi.
Tóm lại, cần ngăn chặn kịp thời nguồn gây dịch bệnh ngay từ đầu. Hiện nay, cần phải cực kỳ cẩn thận trong việc kiểm soát những người đến nước ta, đặc biệt là những người lao động, du khách đến từ các vùng có dịch bệnh.
Hiện nay chúng ta đang ở trong điều kiện thuận lợi nhất (không còn người bị nhiễm bệnh, số bị nhiễm đều khỏi và không có tử vong). Do vậy bà và cháu đều có thể cùng nhau ra chợ sau khi cháu đi học về. Có lẽ, cháu bé cũng nên tranh thủ học tập nhiều hơn ở thời điểm này, để phòng trừ khi không may dịch đến. Khi đó, cháu sẽ nghỉ ở nhà nghe bà kể chuyện, chơi cờ với ông, bóc tôm hùm giúp mẹ hoặc đọc báo, nghiên cứu cùng bố về việc giải cứu cô giáo mầm non. Đó là một kế hoạch không tệ, phải không bạn.
>> Bài viết cùng tác giả: 'Chưa cần thiết cho học sinh nghỉ học sau 16/2'
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Trần Thu Thủy