Một số tổ chức quốc tế ghi nhận nhiều quốc gia giàu có đã đảm bảo đủ vaccine Covid-19 để bảo vệ người dân của họ. Trong khi đó, các nước nghèo gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận với vaccine. Điều này có thể cướp đi sinh mạng của hàng triệu người ở các khu vực nghèo.
Tổ chức Ân xá Quốc tế và các tổ chức khác bao gồm Frontline AIDS, Global Justice Now và Oxfam, kêu gọi các chính phủ và ngành dược phẩm hành động để đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine sẽ được chia sẻ rộng rãi.
Anh là nước đầu tiên phê duyệt vaccine Pfizer ngày 2/12, dấy lên hy vọng ngăn chặn loại virus đã giết chết gần 1,5 triệu người trên toàn cầu, ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới và cuộc sống bình thường của hàng tỷ người.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nhiều lần kêu gọi các chính phủ đưa vaccine Covid-19 trở thành "hàng hóa công cộng". WHO ủng hộ chương trình vaccine toàn cầu Covax nhằm đảm bảo việc phân phối vaccine một cách công bằng và 189 quốc gia đã tham gia. Nhưng một số quốc gia như Mỹ không đăng ký, vì đã có các thỏa thuận song phương.
Covax hy vọng sẽ cung cấp khoảng 2 tỷ liều vaccine vào cuối năm 2021, tuy nhiên con số đó chỉ đáp ứng 20% dân số các nước tham gia chương trình này.
Dựa trên các tính toán gần đây thì gần 70 quốc gia nghèo sẽ chỉ có thể tiêm chủng cho 1/10 dân số của họ chống lại đại dịch vào năm tới, trừ khi các biện pháp khẩn cấp hơn được tiến hành.
Trong khi đó, dữ liệu cập nhật cho thấy, các quốc gia giàu có chỉ chiếm 14% dân số thế giới đã mua tới 53% tất cả các loại vaccine hứa hẹn nhất cho đến nay. Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết Canada là quốc gia đã mua nhiều mũi tiêm nhất trên quy mô dân số, với số liều lượng để mỗi người Canada có thể tiêm chủng 5 lần. Ngày 10/12, Canada phê duyệt vaccine Pfizer, là nước thứ ba thế giới phê duyệt sau Anh, Bahrain.
Tổ chức này kêu gọi ủng hộ kiến nghị của Nam Phi và Ấn Độ lên Hội đồng Tổ chức Thương mại Thế giới nhằm từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine, xét nghiệm và phương pháp điều trị Covid-19, từ đó giúp cho việc phổ biến vaccine được rộng rãi hơn, tạo điều kiện cho các nước nghèo tiếp cận với sản phẩm.
Bảo Châu (Theo Reuters)