Cuộc tranh luận cuối cùng giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden sẽ diễn ra vào 21h giờ miền đông Mỹ ngày 22/10 (8h sáng 23/10 giờ Hà Nội) tại thành phố Nashville, bang Tennessee, với hình thức giống buổi đầu tiên. 6 chủ đề được thảo luận trong 15 phút, mỗi người có hai phút trả lời sau khi người điều hành Kristen Welker bắt đầu chủ đề bằng một câu hỏi.
Ủy ban Tranh luận Tổng thống (CPD) hôm 19/10 giải thích rằng việc tắt micro sẽ giúp mỗi ứng viên có hai phút phát biểu không bị ngắt quãng, trước khi chuyển sang màn tranh luận mở. Phần thảo luận mở sẽ không bị tắt micro, nhưng sự gián đoạn do một trong hai ứng viên gây ra sẽ được tính vào thời gian tranh luận của họ.
Quyết định được đưa ra sau khi Trump liên tục ngắt lời đối thủ trong cuộc tranh luận đầu tiên hôm 29/9. Tuy nhiên, đây vẫn trở thành một trong những vấn đề gây tranh cãi xung quanh CPD và vai trò của ủy ban này trong cuộc so găng quan trọng giữa hai ứng viên.
Bill Stepien, giám đốc chiến dịch tranh cử của Trump, cho rằng "hoàn toàn không thể chấp nhận" việc một người giấu mặt được trao quyền tắt mic của các ứng viên.
Trong bức thư gửi CPD, Stepien cũng phản đối 6 chủ đề được lựa chọn, bao gồm Covid-19, gia đình Mỹ, sắc tộc ở Mỹ, biến đổi khí hậu, an ninh quốc gia và khả năng lãnh đạo. Theo ông, ủy ban nên tuân theo "truyền thống" bằng cách đưa chủ đề chính sách đối ngoại thành trọng tâm cuộc tranh luận cuối cùng, đồng thời cáo buộc ủy ban đang giúp Biden tránh nhắc lại lịch sử hoạt động đối ngoại nhiều tranh cãi.
Tổng thống Trump hồi đầu tháng cũng chỉ trích CPD sau khi cơ quan này yêu cầu tổ chức buổi tranh luận thứ hai theo hình thức trực tuyến, xuất phát từ việc ông chủ Nhà Trắng nhiễm nCoV. Trump gọi việc "ngồi trước máy tính" để tranh luận là "lố bịch" và cho rằng "ai cũng đều bảo vệ Biden". Sự kiện cuối cùng bị hủy.
"Những trò hề ủng hộ Biden của ủy ban đã biến toàn bộ mùa tranh luận thành thất bại và khiến công chúng mất niềm tin vào tính khách quan của nó", chiến dịch của Trump cho biết hôm 19/10.
Trên thực tế, các ứng viên tổng thống Mỹ không nhất thiết phải tham gia tranh luận, khi hoạt động này không được quy định trong hiến pháp hay bất cứ điều luật nào. Theo bình luận viên Matt Pearce của LA Times, đây thậm chí không phải kỹ năng các tổng thống Mỹ thực sự cần, bởi họ không điều hành đất nước bằng cách tranh luận trên truyền hình dưới sự điều phối của một nhà báo.
Các cuộc tranh luận trực tiếp là điểm tương đối mới trong lịch sử tranh cử tổng thống lâu dài của Mỹ, xuất hiện cùng lúc với sự nổi lên của truyền hình. Pearce cho rằng lý do hàng đầu của việc tổ chức tranh luận tổng thống là hàng chục triệu người sẽ xem chúng. Bên cạnh đó, khác với quảng cáo trên truyền hình, các ứng viên không phải trả bất cứ khoản phí nào để thu hút sự chú ý của người dân khi xuất hiện trên màn hình TV vào khung giờ vàng.
Cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên trên truyền hình được tổ chức vào năm 1960, giữa Richard Nixon và John Kennedy. Tuy nhiên, trong các mùa bầu cử tiếp theo, các ứng viên tổng thống Mỹ không tham gia hoạt động này.
Hoạt động tranh luận trên truyền hình chỉ được nối lại từ năm 1976, với màn đối đầu giữa Gerald Ford và Jimmy Carter. Truyền thống này sau đó được duy trì trong các mùa bầu cử sau đó.
Tranh luận tổng thống ban đầu không phải do CPD phụ trách, mà là Liên đoàn Cử tri Nữ, một trong những nhóm vận động nổi tiếng và lâu đời nhất Mỹ, mang tính phi đảng phái. Tuy nhiên, một sự cố đã xảy ra năm 1980, khi Carter, tổng thống đương nhiệm lúc đó, từ chối tham gia tranh luận vì liên đoàn mời ứng viên độc lập John Anderson, người được coi là mối đe dọa lớn hơn so với ứng viên đảng Cộng hòa Ronald Reagan. Carter cuối cùng thất bại trước Reagan.
Năm 1984, Frank Fahrenkopf, khi đó là chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa, nêu ý kiến rằng nên ưu tiên để phe Dân chủ và Cộng hòa bảo trợ cho các cuộc tranh luận tổng thống, bởi "hai chính đảng lớn nên làm mọi thứ trong quyền hạn để củng cố vị trí của mình".
Vì vậy, hai chính đảng Mỹ ngày càng giành nhiều quyền kiểm soát các cuộc tranh luận từ Liên đoàn Cử tri Nữ và các chính trị gia hàng đầu ở Washington cho rằng đã đến lúc chấm dứt vai trò của liên đoàn này đối với sự kiện. Bởi vậy, CPD được thành lập vào năm 1987 để thay thế vai trò của Liên đoàn Cử tri Nữ, trước khi cuộc bầu cử năm 1988 diễn ra.
Ủy ban này là một cơ quan phi lợi nhuận, tuyên bố không nhận bất cứ khoản tài trợ nào từ chính phủ hay các nhóm chính trị. Trên trang web riêng, CPD cho biết trong 30 năm qua, "không có quan chức đương nhiệm thuộc chính đảng nào có bất kỳ mối liên hệ gì với CPD", thêm rằng "các chính đảng không có bất cứ vai trò gì đối với việc điều hành CPD, hay thiết lập những chính sách của cơ quan".
CPD có quyền lựa chọn thời gian, địa điểm, hình thức và người điều hành các cuộc tranh luận tổng thống. Tuy nhiên, các chủ đề tranh luận phụ thuộc vào người điều hành. Họ cũng tự đặt ra những câu hỏi trong quá trình tranh luận và không tiết lộ chúng cho ủy ban hay các ứng viên.
Ngoài Ross Perot, ứng viên độc lập trong chiến dịch năm 1992, các ứng viên ngoài hai đảng Dân chủ và Cộng hòa hầu như chưa bao giờ đáp ứng tiêu chuẩn 15% ủng hộ trong các cuộc thăm dò do CPD đề ra, để đủ tư cách tham gia tranh luận. Do đó, "sân khấu" luôn thuộc về ứng viên của hai chính đảng Mỹ, dù cử tri có thể bỏ phiếu cho người khác ngoài họ.
Những năm qua, các nhóm bao gồm đảng Xanh và đảng Tự do nhiều lần đưa ra các thách thức pháp lý chống lại CPD, bởi cho rằng đảng Dân chủ và Cộng hòa đang được thiên vị trong quá trình tranh luận tổng thống. Tuy nhiên, các tòa án và Ủy ban Bầu cử Liên bang đều bác bỏ những khiếu nại này.
Các thẩm phán cho rằng nguồn gốc đảng phái của CPD đã phai nhạt theo thời gian và cơ quan đã trở thành một thực thể độc lập, dù nằm dưới sự kiểm soát của các đảng viên Dân chủ và Cộng hòa.
Ban lãnh đạo CPD hiện nay bao gồm ba đồng chủ tịch. Đầu tiên là Frank Fahrenkopf, cựu chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa. Sau khi rời vị trí này hồi năm 1989, Fahrenkopf trở thành nhà vận động hành lang từ năm 1995 đến 2013. Chủ tịch tiếp theo là Dorothy Ridings, cựu chủ tịch Liên đoàn Cử tri Nữ và là một cựu nhà báo. Cuối cùng là Kenneth Womack, cựu giám đốc điều hành Viện Dân chủ Quốc gia, một tổ chức phi chính phủ.
Giám đốc điều hành CPD là Janet Brown, người đảm nhiệm vai trò này từ khi cơ quan thành lập vào năm 1987. Các thành viên CPD bao gồm cả đảng viên Dân chủ và Cộng hòa, cùng nhiều nhà báo.
Ánh Ngọc (Theo LA Times, CBS)