Lầu Năm Góc từ cuối tuần trước gây xôn xao dư luận khi thông báo một "khí cầu do thám" Trung Quốc đã hoạt động suốt nhiều ngày trong không phận nước này. Không quân Mỹ ngày 4/2 điều tiêm kích F-22 phóng tên lửa bắn hạ khí cầu, dù Trung Quốc tuyên bố đây là thiết bị dân sự phục vụ mục đích nghiên cứu khí tượng và nó "bay lạc" vào không phận Mỹ.
Trên thực tế, việc các nước sử dụng khí cầu để thực hiện hoạt động do thám không hiếm, ngay cả khi những công nghệ thu thập thông tin tình báo tiên tiến như máy bay không người lái (UAV) hay vệ tinh được sử dụng rộng rãi hiện nay.
Quân đội Mỹ và Anh hồi tháng 10/2022 thông báo thử nghiệm thành công loại khí cầu triển khai nhanh có thể hoạt động ở độ cao lớn để thực hiện nhiệm vụ trinh sát, giám sát và thu thập thông tin tình báo.
Sau thời kỳ bùng nổ của vệ tinh quân sự, quân đội các nước gần đây bắt đầu chú ý trở lại với khí cầu do thám, theo Michael Clarke, giáo sư thỉnh giảng tại Khoa Nghiên cứu Chiến tranh thuộc Đại học Hoàng gia London. "Có lẽ bởi họ nhận thấy chúng hữu ích như thế nào", ông nói.
"Khí cầu có một số lợi thế so với vệ tinh hay UAV", James Rogers, chuyên gia tại Đại học Nam Đan Mạch, nói. "Chúng rẻ hơn rất nhiều so với việc phóng vệ tinh vào không gian. Bên cạnh đó, do hoạt động gần mặt đất hơn, chúng có thể thu được hình ảnh chất lượng tốt hơn".
Khí cầu từng được sử dụng rộng rãi trong Thế chiến II, nhưng các thiết bị hiện nay là công cụ công nghệ cao theo đúng nghĩa, Rogers lưu ý. Chúng có thể bay ở độ cao 27 km, tự triển khai hệ thống UAV riêng và trang bị cảm biến có khả năng phát hiện tên lửa đang lao tới.
Clarke cho biết khí cầu có thể bay cao hơn tầm hoạt động của hầu hết máy bay. Chúng di chuyển nương theo luồng gió trên cao với tốc độ chậm, nên các hệ thống radar dưới mặt đất rất khó phát hiện. Việc áp dụng thêm những công nghệ tiên tiến hay sơn ngụy trang càng giúp chúng ẩn mình tốt hơn trên bầu trời.
"Rất khó nhìn thấy khí cầu trên radar, mặc dù khoang cảm biến bên dưới sẽ dễ thấy hơn", Malcolm Macdonald, giáo sư và kỹ sư công nghệ vũ trụ thuộc Đại học Strathclyde ở Scotland, cho hay.
Theo Macdonald, khí cầu cũng có khả năng cơ động linh hoạt hơn so với vệ tinh. "Quỹ đạo của vệ tinh hoàn toàn có thể dự đoán được, còn đường bay của khí cầu khó đoán định hơn, dễ gây bất ngờ cho những người theo dõi", ông nói.
Các quan chức Lầu Năm Góc cho biết họ phát hiện bên dưới khí cầu Trung Quốc hoạt động trong không phận Mỹ có gắn thiết bị thu thập thông tin và một tấm pin năng lượng mặt trời. Đồng thời, khí cầu còn có những động cơ nhỏ và cánh quạt, giúp người điều khiển có thể thay đổi đường bay của nó.
Clarke cho hay vệ tinh có thể chụp ảnh có độ phân giải cao, nhưng thường lướt qua khu vực mục tiêu với vận tốc rất nhanh. Trong khi đó, khí cầu có khả năng lơ lửng tại khu vực cần chụp ảnh trong thời gian dài hơn, nếu điều kiện thời tiết cho phép.
Chi phí cũng là một điểm mạnh của khí cầu do thám. Một vệ tinh có thể tiêu tốn 300 triệu USD trong suốt chu trình hoạt động, theo ước tính vào năm 2020. Trong khi đó, hầu hết khí cầu công nghệ cao được cho là có chi phí rẻ hơn nhiều.
Giới chức Mỹ tuyên bố họ đã theo dõi khí cầu Trung Quốc trong vài ngày nhưng phải đợi đến cuối tuần qua mới bắn hạ nó, với lý do lo ngại nguy cơ các mảnh vỡ rơi trúng người hoặc tài sản trên mặt đất.
Hệ quả của hành động này vẫn chưa rõ ràng. Nhưng bắn hạ vệ tinh của quốc gia khác được chứng minh là vừa khó khăn hơn và tiềm ẩn nguy cơ châm ngòi chạy đua vũ trang trong không gian.
Colombia, quốc gia ở khu vực Mỹ Latinh, ngày 5/2 cho biết đã phát hiện một vật thể bay giống như khí cầu trên không phận. Theo Clarke, điều này góp phần củng cố thêm lập luận của Washington rằng những quả khí cầu được gửi đi có chủ ý.
Steve Tsang, giám đốc Viện Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu phương Đông và châu Phi thuộc Đại học London, Anh, nhận định bất kỳ khí cầu do thám nào cũng có thể mang giá trị biểu tượng, cho thấy "Trung Quốc hoàn toàn đủ khả năng triển khai thứ gì đó trên không trung để giám sát các căn cứ quân sự Mỹ".
"Họ làm điều đó bởi vì trong nhiều thập kỷ, Mỹ đã điều máy bay do thám hoạt động dọc theo bờ biển Trung Quốc và đôi khi bay qua không phận để giám sát, trong khi Trung Quốc không thể phản ứng gì nhiều. Và bây giờ họ có thể", ông nói.
Vũ Hoàng (Theo Washington Post)