Trả lời:
Việc phòng ngừa cơn đột quỵ cần được quan tâm đúng mức, nhất là khi có sự thay đổi đột ngột của thời tiết. Khi chuyển lạnh, nhiệt độ hạ thấp, bạn không nên uống nhiều rượu. Chất cồn lưu lại trong máu lâu do khả năng bài tiết qua đường mồ hôi giảm, dẫn tới tăng huyết áp, chỉ cần xuất huyết nhẹ có thể dẫn đến tai biến. Những người béo phì, thừa cân, ít vận động, hút thuốc lá, tiền sử tăng huyết áp, đột quỵ, rối loạn chuyển hóa, từng bị nhồi máu cơ tim là nhóm có nguy cơ cao.
Trường hợp thường xuyên có cơn đau thắt ngực không rõ nguyên nhân, hay hồi hộp, tim đánh trống ngực hoặc cảm giác hụt nhịp tim hay mạch đập quá nhanh hoặc quá chậm khi cơ thể ở trạng thái nghỉ ngơi bình thường cũng cần đề phòng.
Vào mùa lạnh, bạn không nên tắm ngay sau khi vừa ở ngoài trời về hoặc vận động thể lực đổ mồ hôi nhiều. Buổi sáng thức dậy không nên ra khỏi chăn và xuống giường quá đột ngột, cần có vài động tác thể dục để cơ thể thích ứng với điều kiện bên ngoài. Vào mùa đông, nên ngủ trong phòng kín gió, đủ ấm.
Đột quỵ não là bệnh lý xảy ra đột ngột, diễn tiến nhanh, biến chứng nặng nề. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, chủ yếu là người từ 55 tuổi trở lên, hiện xu hướng trẻ hóa. Dấu hiệu nhận biết sớm đột quỵ là: Liệt nửa người (biểu hiện giơ hai tay bằng vai, một tay sẽ bị rơi xuống); liệt dây thần kinh số VII (méo miệng khi làm động tác nhe răng hoặc cười); rối loạn ngôn ngữ (hiểu được lời nói mà không diễn đạt được hoặc không hiểu lời người khác).
Khi phát hiện người có dấu hiệu đột quỵ, tuyệt đối không xoa dầu nóng, cạo gió, cắt lể hoặc cúng bái, hay áp dụng các phương pháp dân gian như đâm kim vào ngón tay hoặc dái tai. Gia đình nên nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất để được điều trị trong thời gian vàng.
Bác sĩ Bùi Thị Thu Hà
Phó Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ