Giáp Tết, mọi người có xu hướng uống nhiều rượu, bia hơn. Tuy nhiên, tác hại của rượu bia không phụ thuộc vào loại đồ uống, mà phụ thuộc vào lượng cồn uống và tốc độ uống.
Các chuyên gia khuyến cáo một số mẹo uống rượu ít gây hại, như sau:
Không uống quá liều lượng
PGS.TS Nguyễn Quang Dũng, Phó trưởng Bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm, Đại học Y Hà Nội, cho biết mỗi ngày nam giới không nên uống quá 720 ml bia hoặc 300 ml rượu vang hoặc 60 ml rượu whisky. Đối với nữ giới, mỗi ngày không nên uống quá 360 ml bia hoặc 150 ml rượu vang hay 30 ml rượu whisky. Không để cho trẻ em và vị thành niên uống rượu bia. Cố gắng kiểm soát lượng uống ở mức nguy cơ thấp nhất trong một lần.
Không nên pha rượu với bia và các chất kích thích bởi chúng gây ngộ độc cấp như chóng mặt, buồn nôn, đầy hơi, táo bón, thậm chí mất tri giác và tử vong khi nồng độ cồn trong máu tăng quá cao.
Hạn chế uống rượu khi đói vì dạ dày rỗng khiến nồng độ cồn trong máu tăng nhanh gây choáng.
Tránh sử dụng các loại đồ uống chứa cồn không rõ nguồn gốc xuất xứ, giá rẻ bất thường.
Sau khi uống, tuyệt đối không điều khiển xe hay tham gia vào các hoạt động ngoài trời hoặc ở những nơi nguy hiểm, không an toàn, dễ bị ngã, va chạm, chấn thương.
Không tiếp xúc môi trường lạnh sau khi uống rượu
Bác sĩ Lê Hoàn, Khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết khi uống rượu, chất ethanol làm giãn mạch máu da, kèm cảm giác cháy ở cổ họng khiến bạn cảm thấy ấm hơn. Cảm giác này sẽ nhanh chóng qua đi. Trong thời tiết lạnh, người uống rượu nên giữ ấm.
Đột ngột tiếp xúc với môi trường lạnh sau khi uống rượu có thể bị nhiễm lạnh do mạch máu dưới da bị giãn, tăng thoát nhiệt. Lúc này, người uống rượu thường lơ mơ, mất kiểm soát, mạch máu nhanh chóng co lại, dẫn đến cơn tăng huyết áp. Trường hợp nặng, có tiền sử tăng huyết áp, dị dạng có thể bị đột quỵ. Người có cơ địa yếu, suy giảm miễn dịch dễ mắc các bệnh đường hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản.
Ăn lót dạ trước uống
Chén rượu ngày xuân rất dễ làm say rượu. Mọi người nên ăn lót dạ, uống nước lọc hoặc vừa ăn vừa uống. Bạn có thể chuẩn bị cách thức giải rượu như nước gừng hoặc trà gừng. Nếu không có gừng, mọi người có thể thay thế bằng nước chanh, nước cam. Ngoài ra, khi say rượu thường kéo theo khát nước nên uống nước chanh, cam giúp giải cơn khát hiệu quả.
Bạn có thể ăn bánh mì chứa một lượng lớn carbon có tác dụng như một bộ lọc trong cơ thể, giúp hấp thụ hết chất cồn, ngăn ngừa hiệu quả tình trạng say rượu. Cháo trắng cũng là một món ăn dễ chế biến, dễ ăn và dễ hấp thụ rất phù hợp với người bị say rượu. Một số thực phẩm có đường, tinh bột như gạo, ngô, khoai, sắn, uống sữa, nước hoa quả có đường, nước canh... giúp giải rượu.
Những người gầy yếu, suy dinh dưỡng, phụ nữ, người mắc bệnh tim mạch, thận, bệnh về hô hấp... không nên sử dụng rượu bia. Nếu buộc phải uống, nên uống ít nhất có thể và nên uống sau khi ăn.
Không tự ý ngâm rượu khi không biết rõ thành phần.
Khi có biểu hiện đau đầu, đau bụng, chóng mặt, hạ thân nhiệt, huyết áp, nhìn mờ bóng mây sau uống rượu, cần tới các cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị kịp thời.
Thùy An