Trả lời:
Quả la hán là loại quả có hình cầu, đường kính khoảng 5 - 7cm, khi tươi có màu xanh lục, khi khô chuyển sang màu nâu. Thịt quả mọng, chứa nhiều hạt. Thịt quả có chứa các chất đường hữu cơ như fructose, glucose.
Trong thịt quả la hán có chứa một nhóm glycosides loại tecpen, gọi chung là mogrosides, chiếm khoảng 1% phần thịt của quả. Mogrosides là chất tạo ra vị ngọt.
Cả quả khô lẫn quả tươi đều được dùng để chiết, và chế biến thành một chất bột có thể chứa ít nhất 80% mogrosides. Hỗn hợp mogrosides trong quả la hán cho vị ngọt cao hơn khoảng 300 lần so với vị ngọt của đường mía (tính theo trọng lượng). Như thế, bột chiết 80 % sẽ ngọt gấp 250 lần so với đường mía. Mogroside nguyên chất có thể ngọt gấp 400 lần so với đường mía.
Theo Đông y, thịt quả la hán có vị ngọt, tính mát, không độc. Tác dụng nhuận phế (làm mát phổi), hóa đàm (làm tan đàm), chỉ khát (làm hết khát nước), nhuận tràng. Thường được dùng để chữa ho phế nhiệt và ho do đàm hỏa (đàm vàng đặc, khó khạc), viêm hầu họng, viêm phế quản cấp, khản tiếng, cổ họng khô khát, đại tiện táo...
Ngoài ra, nó còn có khả năng làm tăng cường chức năng miễn dịch của cơ thể, giúp giảm lipid máu, chống oxy hóa, chống dị ứng, làm chất tạo vị ngọt có ích cho người bị đái tháo đường...Quả la hán dùng thích hợp cho những người bị nóng bứt rứt trong người, hơi thở nóng, ho đàm đặc, đàm vàng, khô vùng hầu họng.
Ngày uống 5 - 15g dạng thuốc sắc, hãm nước sôi hay hấp chín để uống (có trường hợp dùng tới 30g).
Để chữa táo bón, người ta thường phối hợp la hán với mật ong.
Món ăn chế biến với thịt quả la hán (50g) và thịt heo nạc (100g), rất có ích cho người đang điều trị bệnh lao phổi.
Bình thường mỗi ngày nên dùng 1 - 2 trái là được.
Lưu ý, những người có tình trạng tỳ vị hư hàn, lạnh bụng, đi tiêu lỏng, những người ho do bị cảm lạnh thì không nên dùng quả la hán.
Lương y Đinh Công Bảy