Trả lời:
Nước dừa ngọt, bùi, thanh mát, đặc biệt là trái dừa non. Nước dừa chứa nhiều vitamin và khoáng chất thiết yếu giúp hỗ trợ chức năng cơ và thần kinh, cân bằng cơ thể, tốt cho người bị tiêu chảy hoặc nôn mửa. Nước dừa chứa nhiều chất điện giải tự nhiên như natri, magie, canxi và kali, rất tốt cho người bị viêm, đau họng.
Khi viêm họng, niêm mạc họng trở nên căng, khô, gây ra cảm giác đau và rát họng. Bạn nên ngậm một ngụm nước dừa trong cổ họng 5 phút, nước dừa sẽ hấp thu vào lớp đệm của biểu mô đường hô hấp, cân bằng lại lượng dịch trong và ngoài tế bào, từ đó giảm cảm giác đau.
Trường hợp viêm thanh quản, niêm mạc khô, uống nước dừa có khả năng trung hòa và giảm nồng độ acid do có tính kiềm nhẹ.
Nước dừa có lượng đường thấp hơn hầu hết các loại đồ uống thể thao và có carbohydrate, có thể giúp cải thiện chức năng cơ bắp, giảm cảm giác mệt mỏi, đau cơ khi viêm mũi họng.
Do đó, bạn có thể sử dụng thêm 200-400ml nước mỗi ngày để hỗ trợ điều trị bệnh viêm họng cấp và viêm thanh quản cấp.
Người bị suy thận, mắc bệnh thận mạn tính nên hạn chế uống nước dừa do hàm lượng kali cao. Loại nước này cũng chứa nhiều carbohydrate có thể gây hoặc làm trầm trọng các triệu chứng tiêu hóa ở những người bị hội chứng ruột kích thích.
Người tiểu đường thường rối loạn dung nạp đường máu cũng không nên uống nhiều nước dừa.
PGS.TS Phạm Thị Bích Đào
Bộ môn Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội