Cuối tháng 5, một bé gái 14 tuổi ở Trung Quốc nhập viện do táo bón và đau bụng nhiều ngày, ảnh chụp CT cho thấy hơn 100 hạt nhỏ lấp đầy từ dạ dày đến ruột và hậu môn bệnh nhân. Từ câu chuyện này, nhiều người sợ rằng uống trà sữa gây tắc nghẽn ruột vì một ly trà sữa chứa rất nhiều trân châu.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Ryan Marino từ Khoa Cấp cứu Trung tâm Y tế Đại học Pittsburgh (Mỹ), trân châu có thể không phải thủ phạm chính gây ra tình trạng của bé gái trên. Ruột người có nhiều không gian để chứa thức ăn và hoạt động của ruột cũng rất tốt, chỉ khi ăn những vật rắn cứng mới gây ra táo bón hoặc các bệnh về ruột.
Trong khi đó, trân châu là các hạt khoai mì dẻo nên ruột dễ dàng tiếp nhận và chuyển hóa. Chúng chỉ đáng lo ngại nếu chưa được nấu lên. Trường hợp bé gái Trung Quốc, bác sĩ Marino cho rằng lượng đường trong trà sữa mới là thủ phạm bởi nó khiến cơ thể mất nước nhiều hơn, dẫn đến đại tiện khó khăn.
Lina Felipez, bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa tại Bệnh viện Nhi Nicklaus, nhận định "ăn nhiều trân châu chắc chắn sẽ gây táo bón". Trong hạt trân châu thường chứa các chất phụ gia, bao gồm guar gum có chức năng làm đặc, tạo đông và được sử dụng rộng rãi trong ngành thực phẩm. Từng hạt trân châu chứa một lượng nhỏ guar gum kết dính cùng những viên trân châu khác sẽ khiến cơ thể dễ gặp tình trạng táo bón. Không chỉ thế, khi tiếp xúc với nước, guar gum nở ra với kích thước lớn hơn. Nạp quá nhiều guar gum dẫn đến nguy cơ tắc nghẽn thực quản và ruột.
Điều gây khó khăn cho các nhà nghiên cứu chính là lượng guar gum trong trân châu không hiển thị trên ảnh chụp CT. Chúng không có khả năng chặn các loại bức xạ từ tia X mà cho phép bức xạ đi qua nên không thể nhìn thấy và định lượng được thông qua việc sử dụng X-quang hay CT.
Năm 2015, Trung Quốc có một bệnh nhân chụp CT sau khi uống trà sữa và thấy ruột đầy chấm trắng. Khi ấy có những tin đồn cho rằng trân châu được làm từ lốp xe và cao su giày cũ, song hiện vẫn chưa có cơ quan nào xác nhận.
Đăng Như (Theo Today)