Bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc BV Nhi đồng 1 (TP HCM) cho biết, mức độ tổn thương của việc uống nhầm axit tùy thuộc vào nồng độ axit và số lượng uống vào cơ thể. Axit đậm đặc có sức phá hủy ghê gớm, nhanh chóng dẫn đến tử vong. Ở nồng độ loãng, axit có thể gây tổn thương niêm mạc đường ăn. Với mức độ nặng hơn, hóa chất có thể đi sâu vào lớp cơ thực quản, làm viêm nhiễm, sau đó làm xơ hóa gây bít thực quản.
Theo các bác sĩ chuyên khoa bỏng, khi uống phải, axit đi đến đâu sẽ ăn mòn và gây sẹo, co rút đến đó. Nếu tổn thương lớp dưới môi, lớp cơ thì sẽ gây sẹo xấu môi. Nếu tổn thương lưỡi sẽ gây sẹo lưỡi. Axit được nuốt sâu vào bên trong có thể tổn thương lưỡi gà, làm teo lưỡi gà, nếu xuống dây thanh âm sẽ làm phù nề dây thanh âm. Việc tổn thương sâu quá có thể dẫn đến đứt dây thanh âm. Trường hợp bệnh nhân kịp thời nhổ bỏ axit ra khỏi miệng mà chưa kịp uống, thường sẽ chỉ gây tổn thương vùng miệng.
Từ ngã ba hầu họng, axit có thể vào phổi hoặc tiêu hóa. Nếu tổn thương ở phổi có thể làm xơ, gây xuất huyết phổi, bệnh nhân dễ tắt thở nếu không cấp cứu kịp thời. Axit đi vào đường ruột dẫn đến thủng bao tử, xuất huyết tiêu hóa.
Việc sơ cứu cũng góp phần quyết định mức độ tổn thương. Nếu sơ cứu sai cách sẽ vô tình làm nặng nề thêm tổn thương. Không ít trường hợp bệnh nhân tử vong ngay trong lúc sơ cứu.
Bác sĩ Đào Trung Hiếu khuyến cáo, nếu axit vào tới họng mà chưa nuốt vô thì phải phun ra liền. Cần nhanh chóng uống nước vào để giúp dung dịch axit loãng ra, từ đó giảm bớt sự bay hơi và ăn mòn. Cần giữ bình tĩnh, nếu quá hoảng loạn uống nước quá nhiều hoặc quá nhanh có thể dẫn đến sặc, ói, khiến tình hình càng nguy hiểm thêm.
"Tuyệt đối không nên móc họng nôn ói ra. Việc ói ra khi chưa làm loãng có thể đưa dung dịch axit từ phía dưới đi lên, làm tổn thương ngược trở lại", bác sĩ Hiếu khuyên.
Vượt qua được nguy hiểm đầu tiên, thông thường sau 5-7 ngày bệnh nhân được soi đường tiêu hóa để xem thương tổn như thế nào. Sau giai đoạn sưng do tổn thương, những mô xơ hẹp lại khiến đường ăn càng ngày càng hẹp. Nhiều trường hợp phải can thiệp nong để thực quản không bị hẹp. Nếu tình hình không khả quan, sau 2-3 tháng phải phẫu thuật để làm lại thực quản.
Cuối tuần qua, một thí sinh chương trình truyền hình thực tế Vietnam's Got Talent khi trình diễn đã uống nhầm cốc axit thay vì cốc nước bình thường. Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng tiếp nhận một bệnh nhi trong tình trạng thực quản gần như hỏng toàn bộ xuyên suốt từ cổ xuống gần dạ dày vì uống nhầm axit. Tác dụng của hóa chất khiến thực quản hư hại, teo lại như một cái đầu ống hút, trong khi đó ruột già lại to nên không thể nối trực tiếp vào được. Các bác sĩ đã đặt ống nong nối giữa ruột bệnh nhân và miệng suốt 6 tháng trước khi thực hiện ca phẫu thuật cắt 25 cm ruột già đưa ra làm ống tiêu hóa cho bệnh nhi.
Uống nhầm axit là tai nạn thường gặp ở trẻ em. Các bác sĩ đưa ra lời khuyên, đối với những hóa chất sử dụng trong gia đình dù mục đích gì cũng phải để xa tầm với của trẻ, thậm chí trẻ có thể bắc ghế lên nhưng không thể với tới. Cần thiết nữa những hóa chất đó phải để trong tủ, có khóa lại cẩn thận, có đánh dấu rõ ràng. Tuy nhiên, tốt hơn hết vẫn là không nên lưu trữ.
Lê Phương