Trả lời:
Bia 0 độ là bia đã loại bỏ cồn hoặc được ủ để chứa ít cồn hơn mức giới hạn cho phép. Trên thị trường hiện có nhiều loại bia được quảng cáo là không độ cồn. Thực tế, bia này có thể có nồng độ cồn ở ngưỡng thấp, nhưng vẫn được coi là 0 độ tùy theo quy định tiêu chuẩn của từng quốc gia.
Ví dụ, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) quy định đồ uống có nồng độ cồn dưới 0,5% thì có thể xem là không cồn. Tại Đức cũng tương tự. Trong khi đó, ở Italy, bia 0 cồn thực chất chứa nồng độ cồn tới 1,2%. Còn ở Anh, chai bia được dán nhãn "0 cồn" phải có nồng độ cồn thấp hơn 0,05%.
Trong thực tế, một số trường hợp uống bia 0 độ, khi cảnh sát giao thông kiểm tra bằng thiết bị chuyên dụng thì kết quả vẫn tồn tại lượng cồn trong hơi thở. Do đó, một số loại bia được dán nhãn 0 độ cồn vẫn có thể sẽ khiến người lái xe đối diện nguy cơ bị xử phạt nếu lượng uống quá nhiều hoặc loại bia được chọn có nồng độ cồn cao hơn công bố.
Tốt nhất, bạn nên thực hiện theo khuyến nghị, nữ giới mỗi ngày không nên uống quá một lon bia 330 ml nồng độ cồn 5%, còn nam giới không uống quá hai lon. Sau uống bia, mọi người nên nghỉ ngơi một thời gian để cơ thể thải bởt cồn mới lái xe.
Sử dụng đồ uống có cồn về cơ bản đều không tốt, dù uống trong mức được khuyến cáo. Uống bia rượu liên tục khiến gan, thận, hoạt động quá mức, gây quá tải, ảnh hưởng sức khỏe.
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, Bộ Quốc phòng