Hơn hai năm trước, tôi quyết định mua căn hộ ở đây khi cậu môi giới cho biết về quy hoạch xây dựng một trường công lập trên chính mảnh đất đó.
Nhưng ước mơ của bao gia đình khi dọn về chung cư này tan thành mây khói. Con mình sẽ không được như mình ngày xưa: trường cách nhà mấy phút đi bộ, mỗi sáng cả khu tung tăng đến cùng một lớp; tối về, vẫn những bạn học ấy, tụ tập ở sân chung, chơi đến quên cả bố mẹ gọi về.
Cả ước vọng rất phổ biến đầu thế kỷ 21 cũng tan luôn: con mình sẽ không phải hít bụi mịn mỗi sáng tắc đường; không phải vật vờ từ 6h sáng trong xe buýt trường để 7h45 mới có mặt ở ngôi trường cách trung tâm cả chục km.
Tôi cố tìm nguyên nhân và chỉ biết phường bên cạnh - phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai - có 72 tòa nhà cao tầng đang sử dụng. Tổng phường Hoàng Liệt có khoảng 70.000 dân (tương đương dân số ba phường khác), nhưng chỉ có một trường công lập cho mỗi cấp học. Đấy là số liệu năm 2017, giờ phường đã có hơn 85 tòa nhà cao tầng nhưng chỉ có thêm một trường tiểu học và một trường trung học cơ sở. Cuối cùng là tại "xây nhà rồi (còn lâu) mới xây trường".
Nhưng bao nhiêu căm phẫn cư dân chúng tôi đều chỉ dành hết cho cậu môi giới "lừa đảo". Đến giờ vẫn không ai tìm hiểu xem miếng đất đó ban đầu có thực là để xây trường công không.
Giả sử đúng như vậy, thì chúng tôi, cái "xã hội" ngay sát miếng đất ấy không hề biết về quy trình hay được hỏi ý kiến về cái trường tư quốc tế "xã hội hóa" kia có đáp ứng gì cho chúng tôi hay không. Không biết ai làm khảo sát nhân khẩu học về mức thu nhập để quy hoạch ra trường quốc tế ấy. Nếu theo con số 30% thu nhập trung bình dành cho giáo dục, thì với một đứa con, lương công chức như vợ chồng tôi phải là 120 triệu/tháng, vượt mọi khung Nhà nước ban hành.
Viễn cảnh sẽ là 7h sáng tôi chở con đến một trường ở xa trong khi có những đứa trẻ ngái ngủ trên ôtô đỗ ở cổng trường ngay trước hiên nhà tôi.
Một "siêu đô thị" có hẳn "thiên nhiên trong lòng thành phố" nhưng không có trường học. Những đứa trẻ trong "siêu đô thị" lên xe buýt từ 6h sáng và hơn một tiếng sau có mặt ở một ngôi trường - có cùng chủ đầu tư với siêu đô thị kia.
Sự trái ngang trong quy hoạch trường học - đô thị ấy đem đến nỗi u sầu cho vợ chồng tôi nhưng lại thành niềm hạnh phúc của người khác.
Một phụ huynh gọi điện khoe nhà mới. Chung cư đẳng cấp gần Hồ Tây. Quan trọng là con được học ngay sát nhà. Ngôi trường công vừa được nâng cấp cùng thời gian xây khu chung cư, nay đón thêm nhiều con em từ tòa nhà đó.
Con trai chị phụ huynh trước học khá ở một trường tư cao cấp, nay thành ngôi sao học tập tại ngôi trường mới. "Các bạn trong lớp điểm thua xa nó, nhất là môn tiếng Anh. Phụ huynh cũng thua xa chị", chị kể.
Hóa ra cái "thua xa" ấy là chị đã "động viên nhà trường" cho mình đóng luôn 600.000 đồng hộ 30 bạn còn lại trong lớp, khi cô giáo thông báo phụ phí tăng 20.000 đồng/tháng so với năm trước. Chị làm thế bởi chị đã khảo sát kỹ phụ huynh trong lớp - những người chị nói "toàn bán cà phê, không biết đầu tư cho giáo dục".
Chị luôn dành sự ngạc nhiên không che giấu nổi khi học phí trường công đã rẻ thế, cơ sở vật chất khang trang thế, còn ngần ngừ gì thêm 20.000 đồng một tháng.
Với tư cách giáo viên, tôi lại thấy lo lắng cho những phụ huynh bán quán, bán cà phê. Hẳn sẽ có người so sánh lực học con mình với ngôi sao mới chứ không phải với cậu hàng xóm nữa. Hẳn sẽ có người không dám nói với con là mình đang cân nhắc đóng thêm 20.000 thì đã có người vung tay đóng hộ cả rồi. Hẳn sẽ có người lo lắng mọi chính sách của lớp sẽ sớm theo chuẩn của phụ huynh kia.
Khi cả xã hội xôn xao về những vụ tự tử và mặc nhiên quy mọi vấn đề cho sức ép học tập thì dường như mọi người quên mất sức ép "quy hoạch đô thị" đang đè nặng lên vai phụ huynh.
Sức ép ấy, sẽ vô hình, từng chút một, đè nặng lên đôi vai trẻ thơ.
Trường học "quốc tế" gần nhà học phí cao tạo áp lực lên những phụ huynh trẻ tuổi thu nhập trung bình và sống ở nội đô cũ như vợ chồng tôi. Trường "làng" gần nhà đang "yên bình" nay chuyển mình thành "trường công chất lượng cao cạnh khu chung cư cao cấp" tạo áp lực lên các phụ huynh "bản địa, không biết đầu tư cho giáo dục".
Những người bán quán sẽ phải bán muộn hơn một chút, anh công chức phải cố viết thêm một bài mỗi tuần; và thế là nguy cơ họ xa con mình, thêm một chút. Rồi mọi chuyện, đều có thể xảy ra, từ cái "một chút" ấy.
Giải pháp giải tỏa áp lực ấy, không đến từ phụ huynh hay những sách dạy làm phụ huynh tốt, cũng khó mà đến từ nhà trường trong cơn lốc thị trường hóa, xã hội hóa. Giải pháp phải đến từ việc quy hoạch đô thị sao cho khi có đủ cơ sở hạ tầng về giáo dục (và y tế) mới bắt đầu triển khai những dự án chung cư tập trung đông dân cư.
Nhưng giải pháp ấy viễn tưởng hệt như tôi có đủ 40 triệu/tháng cho con học trường quốc tế gần nhà vậy.
Lang Minh