Năm ngoái, Uniqlo, thuộc tập đoàn Fast Retailing của tỷ phú giàu Tadashi Yadai, đã vượt Wacoal Holdings Corp để dẫn đầu về thị phần đồ nội y ở Nhật Bản. Euromonitor cho biết, thị phần đồ lót của Uniqlo đã tăng gấp đôi trong những năm gần đây.
Đi cùng với đó, lợi nhuận của công ty mẹ Fast Retailing cũng tăng mạnh hơn trong đại dịch, vượt qua Inditex SA – chủ sở hữu thương hiệu Zara, để trở thành hãng thời trang giá trị lớn nhất thế giới trong vài tuần hồi tháng Hai. Kết quả này là nhờ vào những món đồ cơ bản như quần thể thao, áo phông, trái ngược với thời trang nhanh.
Trong lĩnh vực nội y, thành công của Uniqlo đến từ quyết định tăng gấp đôi sản xuất áo ngực không gọng vào đầu năm 2011, nhiều năm trước khi xu hướng đồ lót thoải mái trở nên phổ biến. Quyết định này đã được chứng thực trong thời kỳ đại dịch khi ngày càng có nhiều người tiêu dùng thay thế áo ngực có gọng nhằm tìm kiếm sự thoải mái. Tại Mỹ, trong khi doanh số bán áo ngực giảm 1% trong nửa cuối 2020, doanh số áo ngực không gọng lại tăng 14%.
Nhờ vậy, Uniqlo đang được định vị là ông lớn trong lĩnh vực đồ nội y nữ, điều hiếm thấy khi những gã khổng lồ về may mặc khác thường không tập trung vào mảng này do phức tạp và manh mún.
Takahiro Kazahaya, chuyên gia phân tích tại Credit Suisse AG ở Tokyo cho biết, đồ lót đã trở thành một sản phẩm rất quan trọng với hình ảnh thương hiệu của Uniqlo, giúp công ty truyền tải các thông điệp.
"Rất khó nhận thấy chất lượng một chiếc áo phông thay đổi như thế nào sau khi được cải thiện nhưng những nâng cấp nhỏ trong áo ngực lại dễ nhận biết", anh nói.
Michael Causton, nhà phân tích của JapanConsuming đánh giá, mảng áo lót đã hỗ trợ thêm cho danh tiếng của Uniqlo như là một nhà cung cấp áo quần giản dị, không cầu kỳ nhưng hữu ích. Uniqlo cũng được xem là "Toyota của ngành may mặc".
Giám đốc trong nhóm phát triển đồ nội y của Uniqlo, ông Kanoko Takenokuchi cho biết, công ty đã tiến hành cải tiến áo ngực kể từ đầu những năm 2000 khi nhận thấy khách hàng có nhu cầu lớn về sản phẩm chất lượng với giá hợp lý. Dựa trên tiêu chí đó, doanh nghiệp đã tạo ra một chiếc áo ngực có thể tương thích với những sản phẩm nổi tiếng của hãng, như quần áo giữ nhiệt Heattech.
Takenokuchi cho biết, ban đầu công ty đã thử nghiệm nhiều loại áo ngực khác nhau, nhưng giờ đây, họ không có bất kỳ loại áo ngực có gọng nào trong dòng sản phẩm. Thay vào đó, hãng tiếp tục cải tiến và phát triển sản phẩm này. Một trong những thay đổi gần đây là sử dụng chất liệu xốp, mỏng, được đục lỗ, cho phép chiếc áo ngực co giãn, vừa vặn với người mặc.
Theo các nhà phân tích, việc Uniqlo có một dòng sản phẩm nội y có thể góp phần làm tăng doanh số bán hàng. Nhà sáng lập Yanai đã đặt mục tiêu tăng trưởng cho hãng tại các thị trường khác, mặc dù doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn trong việc nhân rộng thành công ra bên ngoài Nhật Bản.
Trong lịch sử, Uniqlo đã gặp khó khăn tại các thị trường bắc Mỹ, bao gồm Mỹ, Canada khi kinh doanh không có lãi trong ít nhất 5 năm tài chính vừa qua. Bên cạnh đó, xu hướng tiêu dùng những sản phẩm cơ bản, thoải mái sẽ duy trì được bao lâu khi người tiêu dùng ở Mỹ và các nước phương Tây lớn khác bị hạn chế bởi đại dịch. Hơn nữa, kích cỡ đồ nội y cũng sẽ có nhiều thách thức khi hình dạng cơ thể ở phương Tây đa dạng hơn.
Fast Retailing từ chối tiết lộ chi tiết về doanh số bán đồ lót của Uniqlo, nhưng cho biết áo ngực không gọng nằm trong số 30 sản phẩm bán chạy nhất tại hầu hết các thị trường của hãng. Đây cũng là sản phẩm tăng trưởng nhanh nhất trong thập kỷ qua trong phân khúc đồ lót dành cho phụ nữ.
Uniqlo đã xoay xở để vượt qua Covid-19 nhờ vào thị trường nội địa và thị trường châu Á, nơi nhiều quốc gia đã kiểm soát được dịch bệnh. Dù doanh số bán hàng giảm 12% trong năm tài chính 2020, Fast Retailing không đóng cửa nhiều cửa hàng hoặc tiến hành sa thải hàng loạt như một số gã khổng lồ may mặc khác.
Đức Minh (Theo Bloomberg)