Trong báo cáo vừa công bố, Virac đánh giá, thời trang Việt vẫn còn xa lạ với bản đồ thế giới hoặc kể cả trong khu vực dù Việt Nam nằm trong top đầu xuất khẩu hàng dệt may. Các sản phẩm dệt may xuất khẩu vẫn nặng về gia công, xuất khẩu dưới tên các thương hiệu nước ngoài.
Còn tại thị trường nội địa, ngày càng nhiều thương hiệu quốc tế gia nhập thị trường Việt Nam và chiếm ưu thế như H&M, Zara, Uniqlo... Khoảng hơn 200 thương hiệu thời trang nước ngoài có cửa hàng chính thức tại Việt Nam, phủ sóng từ phân khúc hàng bình dân tới cao cấp.
Lép vế trên chính "sân nhà", nên không khó hiểu khi danh sách doanh nghiệp dẫn đầu thị phần thời trang Việt Nam nằm trong tay các "ông chủ" ngoại. Theo dữ liệu của Euromonitor, ba doanh nghiệp trong top 10 doanh nghiệp có thị phần lớn nhất tại Việt Nam đều do nước ngoài sở hữu. Kế đến là một số thương hiệu Việt như Canifa, Biti's, Việt Tiến, May 10... Một số thương hiệu nội địa như Foci dù từng được coi là "hàng hiệu" với chuỗi cửa hàng số lượng lớn đã phải đóng cửa. Nhưng ngay cả những tên tuổi như Việt Tiến, An Phước, May 10..., phân khúc sản phẩm cũng khá hẹp, chủ yếu là sản phẩm công sở.
Lý giải sự yếu thế của thời trang Việt trước những "ông chủ" ngoại, Virac cho rằng, chủ yếu do mẫu mã thiết kế của thời trang Việt nghèo nàn, quy mô nhỏ, nặng về gia công dù chất liệu được cải thiện nhiều năm.
Cùng với đó, xu hướng kinh doanh tự phát đi kèm với sự thiếu chuyên nghiệp của nhiều startup thời trang Việt cũng khoét sâu vào khoảng cách giữa các nhà mốt với người tiêu dùng. Bộ sưu tập đầu tiên của nhiều nhãn hàng trong nước có thể bán rất tốt, nhưng không bền vững, không thể duy trì lâu trên thị trường do thiếu chiến lược quản lý, quảng bá thương hiệu về dài hạn.
Nhiều thương hiệu trẻ thậm chí còn sao chép mẫu mã từ các thương hiệu quốc tế và bán giá rẻ hơn nhằm thu lợi mà không hướng tới những mục tiêu phát triển lâu dài. Theo Virac, việc thiếu một ngành công nghiệp thời trang bài bản, có hệ thống đã dẫn tới thực trạng này.
"Nạn" hàng giả, hàng nhái vẫn là vấn đề nhức nhối của ngành thời trang Việt, khi mức độ làm giả các thương hiệu nổi tiếng thế giới ngày càng tinh vi, ở cả kênh bán hàng truyền thống, online.
Trước xu hướng "phủ bóng" của các doanh nghiệp ngoại trên thị trường thời trang nội, ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) từng chia sẻ với VnExpress, "đánh" với ông lớn phải có cách chứ không phải thấy họ mở, phát triển hệ thống bán lẻ mà mình cũng phải cố chạy theo bằng được.
Theo ông, phát triển thị trường nội địa phải rất căn cơ, đó là làm thương hiệu tương ứng với năng lực hệ thống phân phối. Thay vì chiến lược "phủ bóng ồ ạt", doanh nghiệp Việt nên chọn cách phù hợp với sức mình, dựa trên nền tảng phân tích nội lực chứ không thể chạy đua theo anh khác.
Còn một lãnh đạo doanh nghiệp thời trang tại TP HCM bày tỏ, để một thương hiệu thời trang được biết đến có thể không khó, nhưng quan trọng là phải tồn tại và dành được tình cảm của khách hàng.
Khi thị trường, thói quen tiêu dùng thay đổi, vị này cho rằng, để một thương hiệu "đi đường dài trên thị trường thời trang", thì phải có tư duy mới trong sản xuất, sáng tạo sản phẩm, hay thay đổi mô hình tiếp thị...
Thực tế, trong lúc doanh nghiệp ngoại "dồn dập" vào thị trường, doanh nghiệp trong nước cũng toan tính cách đi riêng. Phát triển mạnh kênh bán online cùng thói quen thích mua sắm online của người tiêu dùng; hay chi bạo cho làm thương hiệu thông qua các gương mặt đại diện nổi tiếng (Influencer marketing)... đang là những xu hướng marketing được các hãng thời trang trong nước đầu tư những năm gần đây. Covid-19 cũng là một trong những "động lực" để doanh nghiệp thời trang trong nước chuyển đổi, đa dạng kênh bán, tiếp thị và quảng bá sản phẩm.
Bên cạnh đó, livestream cũng đang cho thấy sự hữu ích trong thúc đẩy doanh số bán hàng. Nhiều sự kiện mua sắm quy mô lớn được tổ chức trên livestream và điều này đang ngày càng trở nên phổ biến.
Phân tích của Virac chỉ ra rằng, thời trang Việt tới đây sẽ đón nhận những xu hướng mới trong phát triển, tiêu thụ sản phẩm. Sự có mặt của nhiều thương hiệu thời trang thế giới trên thị trường giúp người tiêu dùng Việt tiếp cận với các mẫu thiết kế mới nhất với giá phải chăng, tạo nên sức hút của "thời trang nhanh", hay còn gọi là hàng hiệu giá mềm. Tuy nhiên, vòng đời ngắn khiến các mặt hàng "thời trang nhanh" này sẽ sớm bị vứt bỏ đã gây tác động tiêu cực tới môi trường, con người và nguồn tài nguyên.
Trong khi đó, thời trang bền vững – cung cấp, sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thời trang được thiết kế theo cách đảm bảo sự bền vững về môi trường, xã hội và kinh tế – dự báo sẽ là một xu hướng tất yếu. Xu hướng này, theo Virac, sẽ trở thành chủ đạo của Việt Nam, trong bối cảnh thu nhập người dân dần được cải thiện và ý thức trách nhiệm của người trẻ với môi trường ngày càng cao.
Anh Minh