Bạo lực giữa lực lượng an ninh và người biểu tình đang đe dọa vị thế trung tâm sản xuất quần áo của Myanamar, ảnh hưởng đến ngành công nghiệp may mặc của nước này. Fast Retailing - công ty mẹ của Uniqlo vừa cho biết 2 nhà máy hợp đồng của họ tại thủ đô Yangon đã bị phóng hỏa đêm 15/3. Công ty vẫn đang đánh giá thiệt hại và chưa có bất kỳ báo cáo nào về số người chết hay bị thương.
Myanmar hiện đóng góp 2% số nhà máy sản xuất hợp đồng của Fast Retailing. Doanh nghiệp Nhật Bản này ngày càng tăng công suất tại Myanmar khi đã bổ sung thêm 2 nhà máy từ năm 2019.
Fast Retailing hiện có 6 nhà máy tại Myanmar, sản xuất một số sản phẩm cho thương hiệu GU. Nếu tình trạng bất ổn tại đây còn tiếp diễn, Fast Retailing sẽ cân nhắc chuyển sản xuất sang nơi khác.
Nikkei cho rằng việc bạo lực ảnh hưởng đến Fast Retailing là điềm báo xấu với quốc gia này. Vì tại Myanmar, ngành dệt may được coi là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nhiều thương hiệu lớn đã mở rộng sản xuất ở Myanmar sau khi quốc gia này chuyển sang chế độ dân chủ. Nhưng giờ đây, họ có thể dừng đơn hàng với các nhà máy tại quốc gia này. Trên thực tế, một số doanh nghiệp đã dừng kinh doanh ở Myanmar.
Theo dữ liệu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Myanmar đạt kim ngạch xuất khẩu quần áo 5 tỷ USD năm 2019, tăng gấp 5 lần năm 2014. Các doanh nghiệp Nhật Bản đóng góp tích cực cho Myanmar. Theo Hiệp hội các nhà nhập khẩu dệt may Nhật Bản, nước này đã nhập khẩu 1 tỷ USD quần áo từ Myanmar năm 2019, tăng 12% so với một năm trước đó và gấp 4 lần 2011 - năm Myanmar chuyển sang chế độ dân chủ.
Hiện tại, ngoài Fast Retailing, các doanh nghiệp khác cũng bắt đầu cảm nhận được ảnh hưởng từ sự bất ổn tại Myanmar. Chuỗi bán lẻ hàng may mặc Shimamura đang bị trễ chuyến hàng từ Myanmar và đang cân nhắc chuyển sản xuất sang Trung Quốc hoặc nước khác ở Đông Nam Á. Nhà sản xuất đồ lót Wacoal đã ngừng hoạt động một nhà máy ở đây.
Adastria cũng bị chậm giao hàng quần áo 2-3 tuần từ các nhà máy hợp đồng ở Myanmar do gián đoạn sản xuất và logistics. Tháng tới, Adastria có kế hoạch ngừng sản xuất tại đây và cân nhắc chuyển sang Việt Nam, Indonesia hoặc Trung Quốc.
H&M hiện cũng có hơn 40 nhà máy hợp đồng tại Myanmar. Reuters cho biết đại gia thời trang Thụy Điển đã dừng sản xuất ở quốc gia này. Tương tự, OVS cũng dừng sản xuất hợp đồng với các nhà máy phân biệt đối xử với người biểu tình tại Myanmar.
Tú Anh (theo Nikkei)