Câu chuyện về vụ trộm cắp vặt tại cửa hàng quần áo ở Thanh Hóa mấy ngày trước đang được dư luận quan tâm và cũng làm nảy sinh nhiều ý kiến trái chiều. Khi được một số phụ huynh gửi cho các bài báo, chuyên gia tâm lý Kim Thành, tác giả cuốn sách Dạy con tự học, không khỏi trăn trở. Chị lo chấn thương tâm lý này sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên cuộc đời hai đứa trẻ đang chuẩn bị bước vào đời.
Là một người mẹ bốn con và làm công tác trị liệu tâm lý cho phụ huynh và trẻ em chục năm qua, chuyên gia Kim Thành biết ăn cắp vặt ở trẻ không hề hiếm. Con trai chị cũng từng có hành vi này, năm năm trước.
Hồi học lớp 1, con đã cầm về tấm thẻ huy hiệu của bạn cùng lớp mà chưa hỏi mượn. Khi phát hiện, bé nói rất thích chơi thẻ đó nhưng chỉ có trong gói bim bim, trong khi bố mẹ lại không cho ăn món này. Thế nên cậu bé định mang món đồ đó về chơi một tối, rồi sáng hôm sau trả. Bé sợ hỏi lỡ bạn không đồng ý nên cứ cầm trước, trả sau.
Chị Thành bình tĩnh ngồi xuống trò chuyện, hỏi han thật kỹ để con tự nhận thức được rằng muốn lấy đồ, mượn đồ của người khác phải hỏi trước và phải được sự cho phép của người ấy, vì đó là tài sản riêng của họ.
Chị cũng giúp con nhận biết nếu mượn đồ, lấy đồ của bất kỳ ai, kể cả người thân như bố mẹ, mà không hỏi mượn, hỏi xin và chưa được phép, hành vi đó được xem là ăn cắp vặt. Đây là hành vi trái với cả pháp luật và đạo đức, bị mọi người chê cười và sẽ mang tiếng xấu.
Người mẹ cũng gợi mở: "Nếu lần sau con muốn có thẻ đó chơi thì có thể làm gì khác?". Bé trả lời: "Sẽ hỏi mượn bạn, đổi đồ cho bạn, cho bạn đồ để bạn cho mượn...".
"Lúc hiểu ra vấn đề, con trai tôi hơi sợ phải nhận lỗi. Tôi động viên làm sai thì phải nhận. Thành thật xin lỗi và tuyệt đối không tái phạm để được tha lỗi và nhất là để tự tôn trọng mình", chị Thành chia sẻ.
Chiều hôm sau đi học về, cậu bé vui vẻ kể đã xin lỗi bạn và trả lại đồ chơi cho bạn. Bé cũng dạy kỹ thuật chơi bắn thẻ thật xa và tặng bạn một món đồ chơi của mình. Người bạn ấy rất thích chơi với con của Kim Thành, nên đã tặng luôn chiếc thẻ đó, kèm một chiếc thẻ khác.
Từ đó đến giờ, người mẹ nhận thấy con trai mình ý thức hơn các bạn cùng lứa rất nhiều về tính trung thực, chính trực, tự trọng trong học tập và cuộc sống. Con không bao giờ vì muốn điểm cao mà gian lận trong thi cử, không muốn nhờ mẹ kiểm tra, nhắc bài để làm đúng mà luôn tự giác làm để biết rõ năng lực của mình đến đâu và cố gắng hơn vào lần sau. Khi cần mua gì, em thường trao đổi với mẹ trước và dùng tiền tiết kiệm của mình để mua. Vài lần, chị cố tình để tiền lẻ ở những chỗ dễ thấy trong nhà, nhưng tuyệt đối con không bao giờ cầm đến.
"Khi phát hiện trẻ ăn cắp vặt, hãy coi đó là cơ hội để giúp trẻ nhận thức và điều chỉnh hành vi phù hợp với pháp luật và đạo đức", nhà tâm lý nói.
Theo chuyên gia này, ngoại trừ những trẻ vị thành niên có hành vi ăn cắp nhằm chiếm đoạt tài sản phi pháp vì lòng tham vật chất, hoặc do "ăn cắp quen tay", hầu hết những trường hợp ăn cặp vặt ở trẻ xuất phát từ một trong những nguyên nhân sau:
- Chứng ăn cắp vặt cưỡng bức (hiếm gặp);
- Muốn sở hữu, có ngay những đồ vật mình thích, dù đó không phải là của mình, song chưa nhận thức rõ hành vi sai trái đạo đức và pháp luật
- Thỏa mãn nhu cầu vật chất, tâm lý không thể bỏ qua (nghiện game, mua đồ cho bằng bạn bằng bè để không cảm thấy bị thua kém...) dù biết hành vi đó là sai.
- Nổi loạn, muốn gây chú ý, muốn được quan tâm từ những người thân thiết, quan trọng với họ.
- Thử vượt qua những giới hạn, xem ăn cắp vặt như chơi trò mạo hiểm (thường ở tuổi dậy thì).
- Bạn rủ rê, ép buộc.
- Thiếu hụt các phương tiện vật chất, tinh thần thỏa mãn nhu cầu tâm lý, thiếu thốn tình cảm, cô đơn, bị lạm dụng, bạo hành.
- Bị nhiễm thói quen từ môi trường học tập, môi trường sống có người hay ăn cắp nói dối, tham lấy tài sản không phải của mình...
Hầu hết các nguyên nhân đều xuất phát từ tâm lý, nhận thức cá nhân, các thói quen và cả tác động của yếu tố văn hóa gia đình, xã hội. Vì vậy, việc người lớn, đặc biệt là cha mẹ, thầy cô khi phát hiện ra hành vi ăn cắp vặt ở trẻ, có thể ngồi lại trò chuyện, hỏi để giúp trẻ kịp thời thay đổi nhận thức và hành vi cho đúng là điều cần làm. Riêng với những trẻ gặp chứng ăn cắp vặt cưỡng bức, cần được trị liệu tâm lý.
"Tuyệt đối không nói những lời chỉ trích gây tổn thương trẻ, không xúc phạm, thóa mạ, quy chụp nhân cách, trừng phạt bằng đòn roi", bà Thành nhấn mạnh và cho rằng những hành vi này không giúp trẻ nhận thức được rõ vấn đề để thay đổi. Ngược lại, trẻ sẽ càng phản ứng tiêu cực hơn, làm giảm lòng tự trọng của trẻ, khiến trẻ gán nhãn cho mình là người xấu. Thậm chí với những trẻ nhạy cảm, có thể còn có những hành vi nguy hại đến bản thân.
Đồng quan điểm này, chuyên gia Hồng Hương của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, nhấn mạnh cách trò chuyện quan trọng hơn nội dung trò chuyện.
Trong cuộc sống, hầu như ai trưởng thành cũng có những lần mắc lỗi. Khi nói chuyện với trẻ về hành vi ăn cắp, nếu người lớn chỉ biết phán xét, lên án, dọa dẫm, nhiều khả năng con trẻ cũng lặp lại cách hành xử này với người có hành vi sai. Thay vào đó, câu chuyện nên tập trung vào sự mất mát, tổn hại của người bị mất cắp; tập trung vào những sự ưu phiền, buồn bã của bố mẹ, thầy cô và bạn bè trước hành vi này của trẻ.
Khi trẻ được dạy cách hiểu để xử lý vấn đề mắc lỗi của mình cũng như của người khác, chúng ta đang tránh được cách ứng xử như trường hợp chủ shop quần áo kia.
"Dù trong độ tuổi nào, thứ quý giá nhất của trẻ chính là sợ bị những người mình thương yêu xa cách", chuyên gia nói.
Bất kỳ một sự việc xấu nào đều có nhiều nguyên nhân, đặc biệt những hành vi xấu của người chưa thành niên thì ảnh hưởng rất lớn từ môi trường giáo dục gia đình và nhóm bạn.
Vậy nên lưu ý với các bậc phụ huynh, ngay khi chuẩn bị hành trình làm cha mẹ, chính chúng ta phải từ bỏ những hành vi xấu của mình, nếu không muốn con mình mắc phải, đồng thời phải quan sát ảnh hưởng từ con tới nhóm bạn và ngược lại để có sự can thiệp phù hợp.
Phan Dương