Trả lời:
Ung thư thực quản là 1 trong 10 bệnh ung thư hàng đầu tại Việt Nam. Phần lớn bệnh nhân trên 50 tuổi, nam nhiều hơn nữ 2-5 lần. Ung thư thực quản đoạn giữa có tỷ lệ mắc cao nhất, gây nhiều khó khăn và biến chứng trong điều trị nhất do đoạn này nằm sát các cơ quan quan trọng như khí quản, cung động mạch chủ.
Triệu chứng hay gặp nhất của bệnh là nuốt khó, bắt đầu với các thức ăn cứng, về sau là các thức ăn lỏng và cuối cùng là cả với nước bọt cũng rất khó nuốt. Sụt cân và mệt mỏi cũng là các triệu chứng hay gặp. Một số bệnh nhân bị viêm phổi do hít những thức ăn đọng lại trong thực quản. Tùy theo vị trí và mức độ xâm lấn của u mà có thêm các triệu chứng khàn tiếng, khó thở hoặc sặc, ngạt.
Đối với trường hợp bác của bạn thì cách điều trị chủ yếu là xạ trị, kết hợp hoá trị để nâng cao hiệu quả. Tuy nhiên, qua mô tả của bạn thì thấy sự chít nghẽn thực quản khá nghiêm trọng (vì ống nội soi không qua được). Nếu bệnh nhân quá khó khăn trong việc ăn uống, cần đặt ống xông thực quản hoặc mở ống xông qua thành bụng trực tiếp vào dạ dày. Bác của bạn cần được chăm sóc về dinh dưỡng thật tốt; ngày ăn khoảng 6-8 bữa.
Hiện tại bệnh nhân đang khó ăn, có thể cho ăn nhiều bữa nhỏ, chọn những món hợp sở thích. Nên nấu cháo hoặc súp. Rau củ có thể cho thêm: khoai tây, khoai lang, khoai sọ, bí đỏ, bí ngồi, su hào, cải bắp, súp lơ, nấm, mộc nhĩ… Mỗi nồi cháo hoặc súp cho trên hai loại rau củ ninh nhừ. Lượng đạm cho vào nồi súp hoặc cháo mỗi ngày lấy từ thịt gia cầm (thịt gà, thịt chim, thịt ngan…) hoặc từ thuỷ hải sản (tôm cua, lươn, ốc, sò, ngao, cá thu, cá hồi, cá rô, cá chép…). Thịt lợn nạc, thit bò hạn chế ăn, khoảng 2-3 bữa một tuần. Hoa quả dùng nước ép trái cây hoặc xay sinh tố, có thể bổ sung thêm đường glucose. Bệnh nhân có cũng nên uống thêm sữa giàu năng lượng hoặc ăn sữa chua, tuyệt đối không được uống rượu, hút thuốc lá.
Tư vấn của Tập đoàn Y tế Parkway Singapore. Tại Việt Nam: Tầng 5 - 91B Nguyễn Thái Học, Hà Nội; phòng 224, 37 Tôn Đức Thắng, quận 1, TP HCM; tầng 6, 114-116 Nguyễn Văn Linh, Đà Nẵng.