Hệ thống mật là một mạng lưới các cơ quan, đường mật có vai trò là ống dẫn sản xuất, lưu trữ và vận chuyển mật - một loại dịch tiêu hóa.
Ung thư đường mật nguy hiểm, khó điều trị do các triệu chứng thường phát triển sau khi khối u đã lan rộng.
Triệu chứng
Ung thư đường mật có thể dẫn đến tăng nồng độ bilirubin trong máu. Các triệu chứng khác của bệnh thường xuất hiện ở giai đoạn muộn gồm:
- Vàng da, vàng mắt.
- Đau bụng ngay dưới xương sườn.
- Sốt.
- Nước tiểu sẫm màu.
- Ngứa da.
- Mệt mỏi.
- Buồn nôn.
- Ăn mất ngon.
- Giảm cân không chủ ý.
Mức độ nghiêm trọng của triệu chứng thường phụ thuộc vào vị trí của khối u. Các khối u phát triển bên ngoài gan có thể gây vàng da, ngứa da, nước tiểu sẫm màu, đau bụng. Trong một số trường hợp, khối u bên trong gan có thể không gây ra triệu chứng.
Phân loại
Ung thư đường mật được phân loại theo nơi khối u hình thành trong hệ thống này gồm:
- Ung thư đường mật trong gan, liên quan đến các khối u ở các ống mật nhỏ hơn bên trong gan.
- Ung thư đường mật ngoài gan, liên quan đến các khối u ở điểm nối của ống gan chung, ống gan trái và phải (gọi là ung thư đường mật quanh rốn).
Yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân gây ung thư đường mật vẫn chưa được biết rõ, một số yếu tố nguy cơ có liên quan như:
- Trên 70 tuổi.
- Tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư đường mật.
- Béo phì.
- Hút thuốc.
- Uống rượu quá mức.
Ngoài ra, một số bệnh lý tăng khả năng mắc ung thư đường mật có thể kể đến như:
- Viêm đường mật xơ cứng nguyên phát.
- Bệnh viêm ruột.
- Bệnh gan mạn tính gồm xơ gan, viêm gan B, viêm gan C, gan nhiễm mỡ.
- U nang đường mật chủ.
- Ký sinh trùng gan như bệnh sán lá gan.
Chẩn đoán
Sau khi hỏi bệnh sử và khám lâm sàng, nếu bác sĩ nghi ngờ ung thư đường mật, người bệnh có thể được chỉ định:
- Xét nghiệm máu.
- Xét nghiệm chức năng gan để đo lượng men gan tăng cao.
- Xét nghiệm đánh dấu khối u.
- Siêu âm bụng.
- Chụp cắt lớp vi tính.
- Chụp cộng hưởng từ.
- Sinh thiết.
Điều trị
Ung thư đường mật được phát hiện từ giai đoạn sớm, có thể điều trị bằng phẫu thuật và điều trị theo dõi để tiêu diệt tất cả tế bào ung thư còn lại. Loại phẫu thuật được sử dụng có thể khác nhau tùy theo vị trí của khối u:
- Ung thư đường mật trong gan: Người bệnh được phẫu thuật cắt bỏ một phần gan, đồng thời cắt bỏ các hạch bạch huyết gần đó.
- Ung thư đường mật ngoài gan: Điều trị bằng thủ thuật Whipple bao gồm cắt bỏ ống mật chung cùng một phần tuyến tụy và ruột non. Ống mật ngoài gan bị ảnh hưởng cũng được cắt bỏ.
Một số khối u trong gan giai đoạn đầu không thể phẫu thuật có thể chỉ định ghép gan hoặc hóa, xạ trị nhằm ngăn chặn tế bào ung thư lây lan.
Anh Chi (Theo Very Well Health)