Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, đang điều trị hai người bệnh suy kiệt vì ăn theo chế độ thực dưỡng. Bệnh nhân thứ nhất mắc ung thư tuyến thượng thận, bệnh nền đái tháo đường, được phẫu thuật cắt u 9 tháng trước. Sau phẫu thuật, bệnh nhân không khám định kỳ, không điều trị theo tư vấn của bác sĩ mà tự áp dụng chế độ ăn thực dưỡng, uống thuốc nam tại nhà. Khi trở lại bệnh viện, người bệnh đã bị suy kiệt, đường máu tăng cao khó kiểm soát, ung thư tuyến thượng thận tái phát, xâm lấn gan, mạch máu, di căn phổi, ổ bụng.
Một bệnh nhân khác ung thư dạ dày, đã phẫu thuật, bác sĩ chỉ định điều trị hóa trị bổ trợ sau phẫu thuật. Tuy nhiên bệnh nhân bỏ dở điều trị, về nhà tự uống thuốc nam và ăn chế độ thực dưỡng. Ngày 10/7, bệnh nhân nhập viện lại khi bị suy kiệt nặng, suy thận giai đoạn cuối, ung thư di căn lan tràn không còn khả năng điều trị.
Đây là hai trong số nhiều trường hợp người bệnh bỏ lỡ cơ hội điều trị do tin vào chế độ ăn thực dưỡng, theo bác sĩ Mai Trọng Khoa, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu. Có bệnh nhân lúc bệnh khởi phát mới ở giai đoạn rất sớm, có nhiều cơ hội điều trị, thì khi quay lại bệnh viện đã vào giai đoạn 3, 4, thậm chí giai đoạn cuối. Người bệnh suy kiệt nặng nên các bác sĩ phải điều trị nâng cao thể trạng, chống suy kiệt bằng việc truyền đạm, đường, các chất dinh dưỡng... trước khi áp dụng phác đồ điều trị ung thư.
Theo dược sĩ dinh dưỡng Lê Kim Phụng, nguyên giảng viên trường Đại học Y dược TP HCM, chế độ thực dưỡng phổ biến vào thập niên 60 bởi triết gia George Ohsawa. Nguyên tắc chính của chế độ ăn uống này là giảm ăn động vật, ăn nhiều thực phẩm được trồng tại địa phương đang trong mùa và tiêu thụ bữa ăn chừng mực. Thực phẩm sử dụng phải trải qua ít công đoạn chế biến nhất, ví dụ ngũ cốc nguyên cám, rau củ sạch nguyên vỏ, đậu hạt, đường đen, động vật ăn cả con và cả xương... Phác đồ thực dưỡng gồm 10 giai đoạn, hạn chế dần dần, đến giai đoạn cuối cùng chỉ còn ăn gạo lứt, muối mè và uống nước.
Tuy nhiên, chưa có bằng chứng cho thấy chế độ ăn thực dưỡng hữu ích với người ung thư. Trái lại, các bác sĩ cho rằng chế độ này gây thiếu hụt dinh dưỡng, suy nhược cơ thể. Trong khi đó, người bệnh ung thư cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng và tăng calo để đáp ứng phác đồ điều trị.
Bên cạnh đó, khi cơ thể không khỏe mạnh, các tế bào miễn dịch không thể tiêu diệt tác nhân gây bệnh, bao gồm tế bào ung thư, không có sức chịu đựng khi thực hiện các phương pháp điều trị bệnh như hóa trị, phẫu thuật, khả năng chống chịu giảm dần hoặc dẫn đến tử vong.
Ngoài các phương pháp điều trị ung thư cơ bản như hóa trị, điều trị nội tiết, điều trị đích, còn có liệu pháp miễn dịch. Bác sĩ tác động và tiêu diệt tế bào ác tính nhờ hệ thống tế bào miễn dịch. Do đó, dinh dưỡng khoa học và hợp lý càng trở nên quan trọng hơn, khi cơ thể đủ khỏe mới có thể kích hoạt hệ miễn dịch.
Vì vậy, bác sĩ Khoa khuyến cáo người bệnh không nên nghe, tin theo các phương pháp chữa bệnh phản khoa học như thực dưỡng, tu luyện theo giáo phái lạ, uống rễ cây, không nên cả tin, tốn kém tiền bạc, thời gian để rồi đánh mất cơ hội điều trị chính thống ngay từ giai đoạn vàng. Bệnh nhân nên thăm khám, nhận tư vấn của bác sĩ để được điều trị đúng bệnh, đúng giai đoạn, có hiệu quả cao nhất.
Người bệnh cũng cần nâng cao nhận thức, tham gia tư vấn về bệnh để tránh phải chết oan uổng và tin vào cách thức chưa được khoa học chứng minh. Bên cạnh đó xây dựng lối sống khỏe mạnh, tăng cường rèn luyện sức khỏe, chế độ ăn uống hợp lý, khoa học và chủ động tầm soát ung thư, khám sức khỏe định kỳ để chủ động phát hiện bệnh.
Chi Lê