Sau khi được Công ty TNHH MTV phát triển Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) sử dụng phần mềm rà soát, tách lọc hơn 2.000 trường hợp thuộc nhóm không được hỗ trợ, danh sách cần giúp đỡ của phường 17 (quận Gò Vấp) còn khoảng 33.000 người. Toàn bộ dữ liệu được đẩy lên ứng dụng SafeID Delivery do chính doanh nghiệp này phát triển.
Bà Bùi Thị Như Hoa, Chủ tịch UBND phường 17 cho biết, theo yêu cầu của UBND TP HCM, phường đã lập danh sách 40 người và gửi cho QTSC cấp tài khoản sử dụng ứng dụng. Các nhân sự này sẽ được phân bổ vào các tổ công tác chi tiền hỗ trợ đợt 3. Mỗi tổ 4 thành viên phụ trách 2-3 tổ dân phố. "Số tiền chi đợt này rất lớn, có tổ phải chi trên 500 triệu đồng nên việc dùng app sẽ giúp địa phương dễ giám sát cũng như hậu kiểm", bà Hoa nói.
SafeID Delivery được cài đặt trên hai hệ điều hành Android và iOS. Thông tin của người dân khó khăn được mã hóa bằng một QR code và định vị trên bản đồ. Dựa vào đó, cán bộ tìm được người chưa nhận tiền để đến tận nhà chi hỗ trợ.
Nếu người dân cài ứng dụng An sinh trên điện thoại cá nhân, khai báo đầy đủ sẽ được cấp một mã QR tương ứng. Khi chi tiền, cán bộ phụ trách quét mã kiểm tra người thuộc diện hỗ trợ, app hiển thị thông tin chi tiết, ngược lại nếu ở nhóm loại trừ, ứng dụng sẽ báo "mã QR code không hợp lệ". Trường hợp không có điện thoại, cán bộ tổ dân phố sẽ phối hợp để xác nhận.
Sau khi hoàn tất chi, tổ công tác có thể chụp một bức ảnh và đánh dấu "hoàn thành" trên ứng dụng, thông tin người nhận tiền lập tức được chuyển sang danh sách "đã nhận".
Bà Hoa cho hay, trên ứng dụng SafeID Delivery còn tích hợp bản đồ chỉ dẫn đường đi, số điện thoại người cần trợ giúp, gọi tổng đài khi gặp sự cố. Ngoài ra, các trường hợp khẩn cấp, gửi yêu cầu cần hỗ trợ gấp cũng sẽ được báo mỗi ngày để các thành viên trong tổ chi tiền nắm và chủ động giúp đỡ nhanh nhất.
Toàn Gò Vấp có gần 570 cán bộ ở phường được cấp tài khoản trên ứng dụng SafeID Delivery để phục vụ chi hỗ trợ đợt 3 cho gần 400.000 dân. Ngoài ra, lãnh đạo quận và 16 phường còn được cấp tổng cộng 66 tài khoản đăng nhập vào hệ thống An sinh của thành phố để giám sát.
Phó chủ tịch UBND quận Đào Thị My Thư cho hay khi cán bộ phường thực hiện chi tiền qua app, dữ liệu được liên thông hệ thống An sinh thành phố. Lãnh đạo quận sẽ nắm được nơi nào đã "hoàn thành" hay phải hủy bỏ kèm lý do, người dân ở đâu chưa được giúp đỡ để đốc thúc, nhắc nhở.
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện nếu phát hiện trường hợp khó khăn cần bổ sung, địa phương chủ động nhập để QTSC đối soát theo quy định. Trường hợp đủ điều kiện được cập nhật danh sách đã xác minh chờ nhận tiền.
Tương tự, tại Bình Tân, cán bộ phường ở đây đang tích cực rà soát lại thông tin 620.000 người cần được giúp đỡ ở đợt thứ 3. Đây là danh sách đã được QTSC tách lọc gần 80.000 trường hợp không thuộc nhóm được hỗ trợ lần này.
Phó chủ tịch UBND quận Lê Thị Ngọc Dung cho biết địa phương đã gửi thông tin của 400 nhân sự làm công việc chi tiền hỗ trợ cho người dân ở 10 phường để QTSC tạo tài khoản sử dụng ứng dụng. Cách đây 4 hôm, doanh nghiệp này cũng đã tổ chức tập huấn sử dụng phần mềm cho 312 xã, phường, thị trấn ở thành phố.
Tại Bình Tân, đợt hỗ trợ này ưu tiên giải quyết trước và sớm cho các trường hợp phát sinh ở các gói trước, người sống trong các khu nhà trọ, khu lưu trú, khu lao động nghèo. Do các thông tin về nơi ở được thể hiện ngay trên ứng dụng nên cán bộ cơ sở sẽ dễ dàng nắm được để thực hiện.
Mới đây, HĐND TP HCM thông qua Nghị quyết về gói hỗ trợ thứ 3 với kinh phí trên 7.300 tỷ đồng, giúp đỡ 7,3 triệu người. Khác với những đợt trước, lần này hỗ trợ không tính hộ mà theo nhân khẩu, mỗi người nhận một triệu đồng.
Ở đợt này, thành phố sử dụng công nghệ để đảm bảo chính xác, công khai và dễ dàng hậu kiểm. Theo yêu cầu của UBND TP HCM, từ ngày 1/10 đến 15/10, các địa phương chi tiền cho người dân. Thời gian đầu, QTSC sẽ tổ chức lực lượng kiểm tra, theo dõi và xử lý kịp thời xử lý những tình huống phát sinh.
Những người được hỗ trợ đợt 3 gồm: thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo, người hưởng chế độ trợ cấp xã hội có hoàn cảnh khó khăn; lao động bị mất việc, không có thu nhập trong thời gian giãn cách kéo dài và đang có mặt ở địa phương; người phụ thuộc gồm cha, mẹ, vợ hoặc chồng ở nhà nội trợ, con của hộ khó khăn đang sống trên địa bàn; người ở tại các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu lao động nghèo, xóm nghèo...
Đến nay, TP HCM đã trải qua hơn 120 ngày áp dụng nhiều biện pháp giãn cách xã hội. Ngoài gói 7.300 tỷ đồng sắp giải ngân, thành phố có hai gói hỗ trợ riêng với tổng kinh phí 6.000 tỷ đồng, trong đó ưu tiên lao động tự do, hộ khó khăn. Ngoài ra, thành phố cấp 14.000 tấn gạo và hơn 2 triệu túi an sinh cho người dân.
Lê Tuyết