Sau gần chục ngày cán bộ khu phố "đi từng ngõ, gõ từng nhà", Gò Vấp đã lên danh sách 95.000 hộ với hơn 360.000 người khó khăn mất việc, mất thu nhập do dịch. Lần này, địa phương thống kê thêm trẻ em, người lớn tuổi, phụ thuộc. Đây là những người ở địa bàn dự kiến được trợ giúp khi gói hỗ trợ lần 3 được thành phố thông qua.
Theo Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Nguyễn Trí Dũng, ở các gói trước, địa phương đã hoàn tất chi cho nhóm lao động tự do, hộ khó khăn. Quận cũng lập danh sách số phát sinh và sẽ phát bổ sung khi có kinh phí. Vừa qua địa phương đã đề xuất với thành phố giúp đỡ mỗi người dân 1,5 triệu đồng trong thời gian 2 tháng, tổng kinh phí dự kiến gần 700 tỷ đồng.
"Việc hỗ trợ làm sao để mỗi người khó khăn duy trì cuộc sống mức tối thiểu", ông Dũng nói và cho biết căn cứ vào các gói hỗ trợ trước, một lao động tự do hoặc hộ gia đình nhận 1,5 triệu đồng trong một tháng, ở đợt này nếu chi theo đầu người, tất cả thành viên trong gia đình đều nhận được.
Tương tự, nhiều ngày qua, Nhà Bè huy động lực lượng giáo viên trên địa bàn nhập thông tin của 170.000 người khó khăn để chuẩn bị khi thành phố triển khai gói an sinh thứ 3. Bà Lê Thị Anh Thư, Phó chủ tịch UBND huyện cho hay địa phương đã chi xong kinh phí được phân bổ cho nhóm lao động tự do, hộ khó khăn và đang chờ gói mới để nhanh chóng giúp đỡ người dân.
Trước đó, tại buổi họp báo chiều 13/9, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết ở đợt 3 thành phố sẽ hỗ trợ một mức nhất định theo tháng và cho từng người dân, kinh phí dự kiến khoảng 10.000 tỷ đồng. Những người chưa nhận ở 2 đợt đầu sẽ được cập nhật danh sách nhận đợt này. Người đứng đầu chính quyền TP HCM nói rằng số kinh phí này rất lớn nhưng thành phố phải làm để giúp người dân vượt qua khó khăn sau thời gian dài giãn cách xã hội.
Về các nhóm được hỗ trợ ở gói thứ 3, theo kết luận của Phó chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan, là những lao động bị mất việc và thu nhập, gặp khó khăn đang có mặt tại thành phố, không phân biệt thường trú, tạm trú, lưu trú. Ngoài ra, thân nhân của lao động bị mất việc gồm cha, mẹ, vợ, chồng, con, người nội trợ, không có khả năng làm việc, sống phụ thuộc... cũng được xem xét hỗ trợ.
Với các trường hợp lưu trú tạm thời, chính quyền lập các tổ công tác đến từng khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, học sinh, sinh viên, xóm nghèo để rà soát, đối chiếu từ danh sách người dân đã đăng ký để lập danh sách chi tiết.
Ông Võ Văn Hoan cũng chỉ đạo UBND phường, xã, thị trấn phải xây dựng kế hoạch hỗ trợ chi tiết ngay khi thành phố có chủ trương, trong đó nêu rõ cách thức, tiến độ, nhóm ưu tiên. Việc chi hỗ trợ phải công khai, minh bạch danh sách.
Hôm qua, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất với UBND thành phố số lượng người dự kiến được giúp đỡ trong đợt này hơn 7,5 triệu người. Mức hỗ trợ một lần cho mỗi người là một triệu đồng, dự toán kinh phí hơn 7.500 tỷ đồng.
Ở đợt bùng phát dịch lần thứ 4, ngoài gói 26.000 tỷ đồng triển khai chung cả nước, từ đầu tháng 7, TP HCM có các gói hỗ trợ riêng với tổng kinh phí gần 6.500 tỷ đồng, trong đó ưu tiên lao động tự do, hộ khó khăn. Ngoài ra, thành phố cũng cấp 14.000 tấn gạo đợt một, 1,8 triệu túi an sinh cho người dân.
Từ 31/5 đến nay, TP HCM áp dụng nhiều biện pháp giãn cách xã hội với cấp độ thắt chặt tăng dần, trong đó từ ngày 23/8 đến nay, người dân được yêu cầu không ra khỏi nhà, "ai ở đâu yên đó". Hiện thành phố tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến cuối tháng 9 và thí điểm mở cửa từng bước tại quận 7, Củ Chi và Cần Giờ.
Lê Tuyết