Minh Minh (theo Telegraph)
TikTok đang đối mặt với tương lai bất ổn khi tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa cấm ứng dụng video ngắn này trừ khi Bytedance đồng ý bán lại nó cho Mỹ. "Tôi đặt thời hạn ngày 15/9 họ phải chấm dứt hoạt động ở Mỹ, trừ khi Microsoft hoặc công ty nào đó mua lại cổ phần và đạt được thỏa thuận", Trump nói.
Trung Quốc lập tức chỉ trích Mỹ "bắt nạt" một cách lộ liễu, đi ngược các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường và nguyên tắc cởi mở, minh bạch và không phân biệt đối xử của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
TikTok đang được ví như quả bóng trong một trận cầu chính trị và địa lý. Tuy nhiên, nó không phải nạn nhân duy nhất. "TikTok có thể sẽ là một trong những quân cờ domino đầu tiên sụp đổ trong một hành trình mà còn rất nhiều ứng dụng khác bị cấm", Sanjit Jain, chuyên gia phân tích của Enders Analysis, nhận định.
Xung đột giữa Trung Quốc và Ấn Độ thể hiện rất rõ điều đó. Sau cuộc đụng độ ở biên giới hai nước hồi tháng 6, Ấn Độ quyết định cấm 59 ứng dụng của Trung Quốc, trong đó có TikTok, với lý do "là mối đe dọa tiềm tàng với an ninh quốc gia". Quốc gia đông dân thứ hai thế giới sau đó tiếp tục cấm thêm 47 ứng dụng và cho biết đang xem xét hàng trăm ứng dụng khác.
"Động thái này tạo ra một tiền lệ nguy hiểm cho Mỹ. Chúng ta đang trên con đường chủ nghĩa dân tộc - công nghệ", Samm Sacks, chuyên gia phân tích tại tổ chức New America, nói.
Trớ trêu là trong khi phản đối mạnh mẽ việc ứng dụng của mình bị "bắt nạt" ở nước ngoài, Trung Quốc lại có "truyền thống" cấm cửa nhiều ứng dụng và dịch vụ.
Hơn một thập kỷ qua, nước này đã tạo dựng Great Firewall, ngăn Facebook, Google, Amazon... hoạt động ở đây, tạo điều kiện cho những phiên bản nội địa như Baidu, Alibaba, Weibo trở nên lớn mạnh. Hiện chỉ có Bing và LinkedIn là hai nền tảng lớn của Microsoft vẫn được hoạt động dưới sự kiểm duyệt nội dung gắt gao của Trung Quốc. Giới phân tích cho rằng, việc cấm các ứng dụng bên ngoài Trung Quốc giúp nước này giành quyền kiểm soát chặt chẽ thông tin xuất hiện trên Internet mà người dân Trung Quốc có thể tiếp cận được.
Theo chuyên gia Emma Mohr-McClune của GlobalData, các ứng dụng đang bị khai thác như các "con tốt" trên bàn cờ chính trị.
Từ năm 2017, Iran hạn chế truy cập tới Telegram và Instagram do các ứng dụng này được dùng để tổ chức, phát động biểu tình. Brazil vài lần chặn WhatsApp - ứng dụng được ưa chuộng ở nước này vì cước gọi điện và nhắn tin đắt đỏ. Chẳng hạn, năm 2016, họ chặn WhatsApp với lý do nó không cung cấp các đoạn chat phục vụ việc điều tra nghi phạm. Nga cũng cấm LinkedIn bốn năm trước vì "không tuân thủ các quy định về dữ liệu cá nhân".
Các ứng dụng đang nhận thấy ngày càng khó để họ "yên ổn" trở thành một nền tảng công nghệ toàn cầu thực sự. "Xung đột có thể khiến các quốc gia coi công ty công nghệ là một bộ phận của quốc gia, thay vì là doanh nghiệp toàn cầu. Có nghĩa, các công ty công nghệ khi thâm nhập thị trường ở nước khác sẽ được yêu cầu đại diện cho đất nước của họ", Samm Sacks, nhà nghiên cứu ở Trường luật Yale, cho hay.
Các ứng dụng thành công dựa vào số lượng người dùng thường xuyên trên toàn cầu. Còn giờ đây, họ sẽ phải đối mặt trước nguy cơ phải từ bỏ thị trường béo bở nào đó nếu xung đột xảy ra. TikTok là ví dụ rõ ràng cho thấy nó không chỉ là sân chơi của giới trẻ với những video ngắn nhiều view, mà còn là đấu trường cho các cuộc vận động chính trị.