TikTok, nền tảng mạng xã hội đặc trưng với các video ngắn do người dùng tự sản xuất đang vướng vào căng thẳng giữa hai cường quốc Mỹ - Trung.
Khác với Huawei, một công ty Trung Quốc chuyên cung cấp thiết bị viễn thông, có khả năng "đọc" một lượng lớn dữ liệu nhạy cảm từ nhiều nhà mạng và doanh nghiệp Mỹ, TikTok chủ yếu được người Mỹ sử dụng để chia sẻ các video nhảy múa, hát nhép hay khoe thú cưng. Huawei và TikTok dù chẳng có điểm gì giống nhau, trong bối cảnh gia tăng căng thẳng giữa hai nước, thật khó loại bỏ suy nghĩ mối đe dọa này bắt nguồn từ lý do chính trị.
Khi TikTok bị cấm, điều gì sẽ xảy ra?
Trước hết, bước đi này sẽ "tạt một gáo nước lạnh" vào các công ty công nghệ Trung Quốc hoạt động trên đất Mỹ. Ngược lại, chúng cũng sẽ gây phản ứng dữ dội từ các công ty Mỹ tại Trung Quốc. Nhưng trên hết, hành động "triệt tiêu" một trong những nền tảng video phát triển nhanh bậc nhất, một "thị trường ngách" hoàn toàn mới, sẽ đem cuộc đua mạng xã hội trở về thời sơ khai.
Tất cả nền tảng mạng xã hội có tiếng đều có lịch sử hình thành, tạo nên phong cách riêng cho chúng. Ví dụ, Facebook ban đầu tập trung vào dịch vụ nhắn tin và mạng xã hội dạng văn bản text. Instagram thống trị mảng chia sẻ hình ảnh dạng bản tin cuộn. YouTube giống một nhà kho chứa các video dài dựa trên giao diện lấy công cụ tìm kiếm làm điểm nhấn. Trong khi đó, TikTok tập trung vào các video ngắn từ 15 đến 60 giây, cũng như khả năng lựa chọn nội dung phù hợp với từng người.
Đối với nhiều người nổi tiếng hay các nhân vật có ảnh hưởng trên mạng xã hội, câu hỏi không phải nên chọn nền tảng nào mà là nên chọn nội dung nào cho mỗi nền tảng. Nhiều nhà sáng tạo nội dung trên TikTok đã bắt đầu đăng video của mình lên cả Instagram và Youtube. Tuy nhiên, các video dạng ngắn trên TikTok thường đạt số lượng người xem cao hơn do thuật toán tùy biến nội dung tốt hơn cho từng người. Một thế giới thiếu TikTok cũng có nghĩa là thiếu vắng những "ngôi sao" TikTok, nhưng không làm cho nội dung của các đối thủ cạnh tranh, như Facebook hay YouTube, giảm.
Các đối thủ cũng không chịu ngồi yên. Facebook gần đây đã ra mắt một tính năng tương tự TikTok, tên Reels, ở một số thị trường quốc tế. Tính năng này dự kiến có mặt trên Instagram tại Mỹ trong lương lai gần. Điều này sẽ tạo nên không ít thách thức, tuy nhiên, các tính năng "gài thêm" có thể không thu hút nhiều sự quan tâm như ở trên ứng dụng gốc, bởi sự thiếu tập trung và thường yêu cầu khá nhiều bước lằng nhằng.
TikTok - ứng dụng giải trí chưa thể thay thế
Số liệu thống kê cho thấy nhu cầu chỉ thưởng thức nội dung ngắn của TikTok thời gian qua đã tăng nhanh chóng. Dữ liệu từ trang Sensor Tower cho thấy lượng tải về của ứng dụng này trong ba quý vừa rồi đã vượt các đối thủ khác trong bối cảnh ngày càng nhiều người Mỹ coi TikTok như một phương pháp "chạy trốn" hoàn hảo trong khoảng thời gian hỗn loạn. Hơn thế, TikTok đã được liệt vào hàng đối thủ của gã khổng lồ streaming Netflix. Trong thư gửi cổ đông của công ty, Netflix đã miêu tả tốc độ tăng trưởng của TikTok là "đáng kinh ngạc".
Điều quan trọng hơn số người dùng hay số lượng tải của TikTok là người dùng ngày càng "nghiện" ứng dụng này. Nhà phân tích của công ty Citi Research đã chỉ ra rằng một người dùng TikTok trung bình dành 476 phút cho ứng dụng này chỉ trong tháng 3. Hiện nay TikTok đứng vị trí thứ hai sau Facebook với 564 phút sử dụng.
Thay vì đem lại lợi ích cho các "ông lớn", một lệnh cấm TikTok nhiều khả năng sẽ có lợi cho các ứng dụng nhỏ tập trung vào video dạng ngắn như Byte App hay Dubsmash. Đó chính là những gì đã diễn ra ở Ấn Độ sau khi lệnh cấm ứng dụng này được chính quyền ban hành tháng trước. Các ứng dụng video nội địa như Roposo ngay lập tức thu hút hàng triệu người dùng mới chỉ trong vài ngày.
Bản thân TikTok cũng đang tìm kiếm giải pháp cho lo ngại của phía Mỹ. Trong tuần qua, nhiều cổ đông Mỹ của ByteDance đã bàn về ý định mua quyền sở hữu chính của TikTok. Wall Street Journal cũng cho hay ByteDance đã lên kế hoạch xây dựng hội đồng quản trị mới, cũng như dự định về một trụ sở TikTok ngoài Trung Quốc.
Đăng Thiên (theo Bloomberg)