Microsoft tuần trước thông báo đang làm việc với ByteDance và chính phủ Mỹ về thỏa thuận mua lại cổ phần và hoạt động của TikTok tại nước này. Tổng thống Donald Trump hôm 3/8 cho biết TikTok có 45 ngày để đạt thỏa thuận bán lại cổ phần cho một công ty Mỹ, nếu không sẽ phải chấm dứt hoạt động tại Mỹ.
TikTok đang tìm mọi cách để duy trì hiện diện tại Mỹ, trong đó Microsoft đang dần trở thành chiếc phao cứu sinh cho nền tảng mạng xã hội này. Thương vụ mua lại TikTok có thể sẽ rất phức tạp và khó hoàn thành, trong bối cảnh Microsoft những năm qua chuyển chiến lược đầu tư vào doanh nghiệp thay vì người tiêu dùng.
Dù vậy, các nhà phân tích cho rằng thỏa thuận mua bán sẽ có lợi cho cả hai bên. Microsoft có thể là hy vọng duy nhất của TikTok. Nhiều tập đoàn lớn như Facebook, Google, Amazon và Apple có vẻ phù hợp hơn, nhưng họ đều đang vướng vào những cuộc điều tra chống độc quyền và khó có thể theo đuổi hợp đồng mua lại TikTok.
Một số chuyên gia còn mô tả mua lại Tiktok là "một cuộc lật đổ tiềm tàng" của Microsoft, giúp tập đoàn này sở hữu một trong những nền tảng mạng xã hội phát triển nhanh nhất thế giới, trong lúc TikTok tìm mọi cách để đạt thỏa thuận thoái vốn. "Đây là cơ hội hiếm gặp với mức giá có thể dễ dàng chấp thuận", nhà phân tích Dan Ives của công ty tài chính Wedbush nhận xét.
Microsoft có thể chi trả một phần trong giá trị ước tính 50 tỷ USD của TikTok để nắm hoạt động của mạng xã hội tại Mỹ, Canada, Australia và New Zealand. Thông tin về thương vụ tiềm tàng này đã giúp giá trị của tập đoàn tăng gần 80 tỷ USD tuần trước, cho thấy nhiều nhà đầu tư thích ý tưởng mua lại TikTok.
Ives ước tính giá trị của TikTok có thể vượt 200 tỷ USD trong vòng vài năm tới nếu duy trì đà tăng trưởng người dùng và lượng tương tác như hiện nay. Nhà phân tích Rishi Jaluria của DA Davidson tỏ ý đồng tình, cho rằng TikTok có khả năng phát triển theo cấp số nhân, đặc biệt khi việc sử dụng mạng xã hội đã bùng nổ trong đại dịch Covid-19.
Khoản đầu tư hướng vào người tiêu dùng
Microsoft đã dẫn đầu mảng doanh nghiệp từ lâu, đồng thời chuyển hướng khỏi các khoản đầu tư hướng vào người tiêu dùng và cho rằng tương lai tập đoàn sẽ gắn với thành công trong lĩnh vực điện toán đám mây. Thỏa thuận mua lại TikTok có thể là dấu hiệu cho thấy Microsoft muốn xâm nhập sâu hơn vào thị trường tiêu dùng.
Điều này cũng mang đến một thương hiệu lớn cho tập hợp sản phẩm tiêu dùng của Microsoft, vốn chứng kiến cả thành công và thất bại. LinkedIn sở hữu cộng đồng người dùng mở rộng liên tục, trong khi dòng console Xbox và game Minecraft cũng thu hút được nhiều người chơi. Tuy nhiên, nền tảng stream game Mixer đã bị ngừng hoạt động, trong khi hệ thống tìm kiếm Bing và điện thoại Windows Phone đều không đạt thành công như kỳ vọng.
"Microsoft là tập đoàn được nhiều người biết đến, nhưng thực tế đó là một công ty phần mềm doanh nghiệp. TikTok có thể là cách giúp Microsoft phát triển kinh doanh tiêu dùng và mở rộng hiện diện trong thị trường này", Jaluria nói.
Hình ảnh các thanh thiếu niên nhảy múa trên mạng không ăn nhập với các phần mềm doanh nghiệp, nhưng mua lại TikTok cũng là cách giúp Microsoft phô trương sức mạnh trong thị trường doanh nghiệp. "Giải quyết những lo ngại về bảo mật dữ liệu và bảo đảm hoạt động ngày càng mở rộng của nó trên nền tảng Azure sẽ cho thấy năng lực an ninh và xây dựng hàng rào địa lý của Microsoft", Jaluria nói thêm.
Liệu thương vụ có thể thành công?
Microsoft từng thất bại trong nhiều cuộc đánh cược, nhưng cũng đạt không ít thành công với những thương vụ dưới thời Satya Nadella.
Vụ mua lại LinkedIn với giá 26 tỷ USD năm 2016 được coi là cú ghi điểm của tập đoàn này, một phần vì mạng xã hội trên được duy trì quyền độc lập đáng kể.
"Họ không thay đổi thương hiệu. Nếu nhìn vào website, họ không gọi đó là "LinkedIn by Microsoft' hay gì đó tương tự. LinkedIn cũng mang lại lượng lớn dữ liệu và làm lợi cho Microsoft", Jaluria cho hay, thêm rằng cách tiếp cận tương tự có thể được áp dụng với TikTok. "Đây sẽ là thương vụ thành công nếu họ không thay đổi cốt lõi sản phẩm và để ban lãnh đạo mạng xã hội quyết định cách vận hành".
Những rủi ro khi mua lại TikTok
Microsoft cam kết dữ liệu người dùng Mỹ sẽ được lưu trữ trên lãnh thổ Mỹ. Tập đoàn này và ByteDance, chủ sở hữu TikTok, sẽ cần chính phủ Mỹ phê chuẩn thỏa thuận và nhiều khả năng phải chuyển một phần tiền cho Bộ Tài chính Mỹ.
"Một phần không nhỏ số tiền giao dịch sẽ phải chuyển vào ngân khố Mỹ, vì chúng tôi đã giúp thỏa thuận này trở thành hiện thực. Họ không có quyền gì, trừ khi chúng tôi cấp quyền cho họ", Tổng thống Trump nói trong cuộc họp báo ở Nhà Trắng hôm 3/8.
Bên cạnh đó, việc mua lại một ứng dụng phát triển tại Trung Quốc có thể khiến Microsoft bị soi xét kỹ hơn trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung ở mức rất thấp, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ.
Microsoft tránh được những đợt điều tra gần đây nhằm vào các tập đoàn công nghệ lớn, nhưng điều này sẽ thay đổi khi họ mua lại một ứng dụng mạng xã hội gây tranh cãi và có lượng người dùng rất lớn. Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro đã đề xuất ý tưởng yêu cầu Microsoft "thoái vốn khỏi các doanh nghiệp ở Trung Quốc" trước khi được phép mua TikTok.
"Tôi không nghĩ sẽ có cuộc điều tra chống độc quyền nhằm vào thỏa thuận này, vì Microsoft không có nhiều hiện diện trong thị trường mạng xã hội tiêu dùng. Tuy nhiên, họ có thể lọt vào tầm ngắm sau khi mua lại TikTok vì sở hữu lượng lớn dữ liệu người dùng. Sử dụng dữ liệu người dùng để quảng cáo là vấn đề khiến nhiều người lo lắng với Facebook và Google", Jaluria nói.
Ngoài ra, còn câu hỏi liệu thành công của TikTok có được duy trì trong dài hạn hay không. "Nếu TikTok giống Instagram và chịu được sự cạnh tranh từ đối thủ, đó sẽ là chiến thắng rõ ràng cho Microsoft. Tuy nhiên, nếu họ đi vào vết xe đổ của SnapChat và gặp hàng loạt vấn đề tăng trưởng, thỏa thuận mua TikTok sẽ dần mất giá trị khi đối mặt với những giải pháp từ Facebook và nhiều tập đoàn khác", nhà phân tích Ives nêu quan điểm.
Điệp Anh (theo CNN)