20h, cảnh sát ở chốt kiểm soát dưới chân cầu vượt Sóng Thần, khu vực giáp ranh TP Thủ Đức và tỉnh Bình Dương dán nhiều tờ giấy A4 có mã QR trên phần mềm "di biến động" để thu thập thông tin của người và xe ra vào. Đây là phần mềm vừa được Bộ Công an xây dựng trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm quản lý, truy vết người nghi vấn F0, F1 và F2 khi cần thiết.
Theo đó, công dân dùng máy tính, điện thoại có kết nối mạng để đăng ký khai báo y tế tại suckhoe.dancuquocgia.gov.vn. Khai báo xong, công dân sẽ có một mã QR Code dùng được trong 3 ngày để di chuyển qua các chốt.
Cán bộ công an tại chốt kiểm dịch sẽ được cấp tài khoản để kiểm tra thông tin công dân khai báo y tế bằng QR Code tại địa chỉ kiemdich.dancuquocgia.gov.vn. Công an có nhiệm vụ đối chiếu thông tin công dân đã khai báo và "ấn" xác nhận khi họ đi qua chốt.
Trường hợp người dân không có thiết bị kết nối Internet, cảnh sát sẽ đặt bản khai giấy ở các chốt. Sau khi người dân kê khai, cán bộ làm nhiệm vụ sẽ nhập dữ liệu này lên hệ thống để quản lý thông suốt.
Trong ngày đầu tiên, đa số các tài xế qua chốt chưa có mã QR vì "chưa biết phần mềm này". Lái xe bán tải chở sữa từ khu công nghiệp Sóng Thần về quận Tân Bình, anh Lê Văn Quốc, 30 tuổi, tỏ ra bất ngờ khi được yêu cầu vào chốt kiểm tra dù đã xuất trình giấy đi lại của công ty và phiếu xét nghiệm âm tính Covid-19.
Tài xế Quốc được cảnh sát hướng dẫn dùng điện thoại để "khai báo di chuyển nội địa" với tổng cộng 18 mục thông tin. Khác với khai báo trên tờ khai y tế, phần mềm này còn thu thập thêm thông tin: Nhóm máu, địa chỉ thường trú-tạm trú, thông tin nơi đi-nơi đến, địa chỉ lưu trú, phương tiện-biển số.
Sau 15 phút điền thông tin, anh Quốc nhận được một mã QR. Cảnh sát dùng điện thoại có phần mềm riêng biệt quét mã này đối chiếu giấy tờ cá nhân để lưu trữ vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trước khi bấm vào mục "Cho qua" để anh tiếp tục hành trình.
Nam tài xế cho biết, do xe có tải trọng dưới 850 kg nên không được cấp thẻ nhận diện ưu tiên để qua chốt kiểm soát. "Hôm qua tôi chỉ cần đưa hai loại giấy thông hành là được cho qua và không phải khai báo gì thêm", anh Quốc nói.
Cách đó 7 km, anh Lê Công Danh là người đầu tiên được cảnh sát trực chốt tại cầu Vĩnh Bình buộc khai báo qua phần mềm khi đi từ bệnh viện ở TP Thuận An về nhà tại phường Phước Long B, TP Thủ Đức. Anh mất hơn 20 phút để rà soát nhiều mục thông tin bắt buộc phải điền như: số nhà, tổ dân phố nơi đi hay nhóm máu vì "không nhớ rõ". "Phần mềm này yêu cầu cung cấp thông tin rất nhiều so với tờ khai điện tử khi vào bệnh viện, siêu thị", anh Danh nói.
Theo một cảnh sát tại chốt, lực lượng chỉ yêu cầu khai báo trên phần mềm đối xe máy, ôtô con, xe khách, xe tải không thuộc "luồng xanh". Các xe khai không đúng hoặc có dấu hiệu nghi vấn sẽ bị từ chối cho qua chốt. "Việc yêu cầu khai báo qua phần mềm vào những ngày đầu có thể tốn nhiều thời gian của lực lượng và cả tài xế", cảnh sát nói.
Để giảm thời gian khi đi qua các chốt kiểm dịch và tránh gây ùn tắc, cảnh sát yêu cầu người dân khai báo trước. Ngoài các chốt kiểm soát, sắp tới TP HCM triển khai ở các siêu thị, bến xe, nơi tập trung đông người.
Phần mềm này của Bộ Công an và Bộ Y tế hiện chưa được kết nối với nhau. Do đó, có một bất cập là nhiều phần mềm cùng tồn tại như tokhaiyte, Bluezone gây rối cho người dân.
Đại tá Phùng Đức Thắng, Phó cục trưởng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công an (C06) cho biết, C06 sẽ phối hợp cùng Bộ Y tế để nghiên cứu, giúp công dân chỉ phải khai báo một lần. Ngoài ra, đơn vị sẽ hướng đến việc tích hợp thông tin tiêm chủng vaccine vào hệ thống này để tiện quản lý.
Đình Văn