Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar ngày 19/7 đăng ảnh một kíp lái thiết giáp M2 Bradley thuộc lữ đoàn bộ binh cơ giới số 47, cho biết họ từng tham gia trận đánh ở tỉnh Zaporizhzhia và bị lực lượng Nga bao vây.
"Các binh sĩ biết rằng phương tiện chiến đấu của phương Tây sẽ thu hút hỏa lực của đối phương. Ngay khi chiếc Bradley xuất hiện trên tiền tuyến, lực lượng Nga dùng mọi hỏa lực họ có để tấn công, từ súng phóng lựu, pháo cho tới trực thăng", bà Maliar cho biết.
Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine kể rằng thiết giáp Bradley, do trưởng xe "Kach" chỉ huy, đã sử dụng pháo tự động vô hiệu hóa bộ binh Nga ở hai bên sườn. Nga sau đó mở cuộc "săn lùng" thiết giáp Bradley và cấp tốc điều hai xe tăng T-72 vào tham chiến.
"Nhưng cả hai xe tăng Nga đều bị tên lửa chống tăng TOW trên chiếc Bradley bắn cháy trong nháy mắt", bà Maliar tuyên bố, song không công bố bất cứ hình ảnh hay video nào về trận đánh.
Mỹ từ tháng 4 bắt đầu chuyển giao tổng cộng 186 thiết giáp M2 Bradley cho Ukraine. Bradley được giới chuyên gia phương Tây đánh giá là "sát thủ diệt tăng", có thể vận chuyển binh sĩ và yểm trợ hỏa lực bằng pháo hoặc tên lửa chống tăng BGM-71 TOW.
Tuy nhiên, trang theo dõi vũ khí nguồn mở Oryx ước tính Ukraine đã mất khoảng 35 thiết giáp Bradley trong giao tranh với lực lượng Nga. Giới chuyên gia phương Tây nhận định tổn thất này không nằm ngoài dự đoán và chủ yếu diễn ra vào những ngày đầu của chiến dịch phản công mà Ukraine phát động hồi đầu tháng 6.
Ukraine nhiều lần tìm cách chứng minh thiết giáp phương Tây có thể tạo ra khác biệt trên chiến trường so với các loại xe chiến đấu bộ binh từ thời Liên Xô. Thứ trưởng Maliar hồi đầu tháng 6 cho biết một thiết giáp Bradley hầu như không bị hư hại và tiếp tục di chuyển dù trúng rocket từ pháo phản lực BM-21 Grad của Nga.
Trong một trận đánh hồi cuối tháng 6 ở gần làng Makarovka thuộc tỉnh Donetsk, đoàn xe thiết giáp Mastiff của Ukraine đã phải vội vã rút lui khi chạm mặt một xe tăng chủ lực của Nga.
M2 Bradley được Mỹ phát triển từ những năm 1960 với mục đích tạo ra loại thiết giáp có tốc độ đủ nhanh để bắt kịp đội hình với xe tăng chủ lực M1 Abrams. Quân đội Mỹ bắt đầu biên chế M2 Bradley vào năm 1981 và sử dụng tới nay.
Thiết giáp M2 Bradley nặng 25 tấn, có thể đạt tốc độ tối đa 64 km/h với tầm hoạt động 480 mm. Thiết giáp được trang bị một pháo M242 25 mm, súng M240C 7,62 mm, hai ống phóng tên lửa chống tăng BGM-71 TOW, có kíp lái ba người và chở theo 6-7 binh sĩ.
Nguyễn Tiến (Theo Business Insider)