Để có thể trinh sát và tập kích lực lượng Nga trong phòng tuyến, quân đội Ukraine chủ yếu dựa vào các máy bay không người lái (UAV) dân sự. Các UAV gắn thuốc nổ của Ukraine từng gây nhiều thiệt hại với bộ binh và khí tài đối phương, nhưng hiệu quả của chúng giảm dần khi Nga thích ứng và tăng cường các biện pháp tác chiến điện tử.
UAV Ukraine thường sử dụng tần số vô tuyến phổ thông để điều khiển, nên rất dễ bị các tổ hợp tác chiến điện tử Nga gây nhiễu, khiến chúng bị mất kết nối với người điều khiển và tự rơi hoặc bị ép hạ cánh.
Một báo cáo của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI) nhận định lực lượng tác chiến điện tử Nga từng hạ tới 90% UAV Ukraine trong các giai đoạn đầu chiến sự. Đây là một trong những lý do khiến các hệ thống tác chiến điện tử Nga được ví như "sát thủ vô hình" trên chiến trường.
Tuy nhiên, tình hình dường như đã thay đổi và năng lực của Nga trong gây nhiễu, khống chế UAV đã suy giảm đáng kể, khi Ukraine áp dụng các giải pháp công nghệ mới được đánh giá là tinh vi hơn nhằm đối phó các hệ thống tác chiến điện tử đối phương.
Trong năm đầu chiến sự, Nga sử dụng các thiết bị gây nhiễu có uy lực lớn để chế áp những UAV có nhiệm vụ chỉ thị mục tiêu cho pháo binh hay thả lựu đạn vào chiến hào.
Một binh sĩ Ukraine vận hành UAV cho biết vào cuối năm 2022, UAV của họ có thể bay sâu 6 km vào sau chiến tuyến đối phương. Tuy nhiên, trong chiến dịch bảo vệ Bakhmut hồi đầu năm, UAV Ukraine chỉ bay qua chiến tuyến một km, thậm chí không thể vượt qua.
Các binh sĩ Ukraine khác cũng kể những câu chuyện tương tự. Đại tá Ukraine Serhiy Ogerenko hồi tháng 3 nói rằng UAV trong đơn vị của ông chỉ trụ được nửa ngày, còn UAV tầm xa hơn của pháo binh "có thể tồn tại trong một tháng".
Theo báo cáo hồi tháng 5 của RUSI, Ukraine mỗi tháng mất tới 10.000 UAV, chủ yếu do bị lực lượng tác chiến điện tử Nga hạ. Thiếu UAV chỉ thị mục tiêu, pháo binh Ukraine khó bắn trúng mục tiêu hơn nhiều.
Cả Nga và Ukraine gần đây đều đưa thêm nhiều tổ hợp gây nhiễu ra chiến trường để chống lại mối đe dọa từ UAV của đối phương. Các tổ hợp gây nhiễu của Nga không chỉ vô hiệu hóa UAV của Ukraine mà còn ảnh hưởng tới bom dẫn đường JDAM và đạn pháo dẫn đường Excalibur do Mỹ viện trợ.
Tuy nhiên, trong vài tuần qua, Ukraine tăng đáng kể sử dụng UAV trong đợt phản công để chỉ thị mục tiêu cho pháo binh, tấn công các chiến hào và hạ phương tiện chiến đấu của Nga. Chuyên gia phương Tây đã rất ngạc nhiên trước năng lực chống chọi UAV của Ukraine trên chiến tuyến Nga.
Mykola Volokhov, một binh sĩ vận hành UAV của Ukraine, cho biết vấn đề về kết nối với phi cơ do bị Nga chế áp trong thời gian dài đã được khắc phục. "Chúng tôi có một số bí quyết nhất định, song tôi không thể tiết lộ", Volokhov nói.
Các binh sĩ Ukraine cũng tìm ra cách chỉnh sửa phần mềm điều khiển để vô hiệu hóa tính năng định vị UAV của hãng DJI và người vận hành chúng. Kỹ sư Ukraine đã thiết kế một thiết bị có tên Olga, có thể cắm vào cổng USB trên UAV DJI để tự động nạp phần mềm điều khiển đã được chỉnh sửa. Sau khi can thiệp hệ thống, thay vì truyền tọa độ thực tế, UAV sẽ thể hiện vị trí vĩ độ 0, kinh độ 0 nhằm đảm bảo bí mật.
Chống nhiễu là điều khó thực hiện hơn, song không phải bất khả thi. Quân đội một số nước đã áp dụng giải pháp dùng cụm ăng ten để thiết lập trạm phát định hướng cao có thể lọc nhiễu.
Bộ lọc này có khả năng chặn dải sóng gây nhiễu không phải do người điều khiển gửi đến, ngăn nguy cơ UAV bị can thiệp. Đầu thu tín hiệu thông minh cũng có thể chuyển đổi tần số để tìm tần số không bị gây nhiễu.
Thomas Withington, một chuyên gia về tác chiến điện tử, nhận định Ukraine có thể đã tìm ra cách đối phó với hoạt động gây nhiễu của Nga được một thời gian. Tuy nhiên, chuyên gia này cảnh báo bất cứ biện pháp đối phó nào của Ukraine cũng không phải giải pháp lâu dài.
"Tác chiến điện tử là cuộc chạy đua liên tục, mỗi biện pháp đối phó sẽ có phương án khắc chế trong trò chơi mèo vờn chuột không có hồi kết", Withington nói. "Trong xung đột quân sự, tiến trình này càng nhanh hơn".
Một giải pháp khác của Ukraine là chế áp cứng, đồng nghĩa sử dụng tên lửa, rocket để tập kích, phá hủy thiết bị tác chiến điện tử của Nga.
Thông thường, các hệ thống tác chiến điện tử với khả năng phát tín hiệu gây nhiễu mạnh sẽ có trạm phát lớn. Điều này khiến chúng dễ bị định vị và có nguy cơ cao trúng đạn pháo hoặc tên lửa. Chúng cũng có thể bị tấn công bởi UAV dò tín hiệu gây nhiễu, phiên bản giá rẻ của tên lửa chống radar AGM-88 HARM do Mỹ chế tạo.
Volokhov và các binh sĩ Ukriane khác tin rằng họ có thể tiếp tục dùng UAV dân sự để tấn công lực lượng Nga. Những chiếc UAV này có thể bị lực lượng tác chiến điện tử Nga vô hiệu hóa trong tương lai, song hiện tại chúng vẫn hiệu quả và mang lại lợi thế cho Ukraine.
Nguyễn Tiến (Theo Forbes)