"Phòng không Ukraine không phá hủy được tên lửa Kh-22 nào trong cuộc không kích rạng sáng 15/8, cũng như kể từ khi xung đột bùng phát. Kh-22 được coi là tên lửa hành trình, nhưng thực chất đó là vũ khí siêu thanh và không thể bị bắn hạ bằng hệ thống phòng không thông thường của chúng tôi", phát ngôn viên không quân Ukraine Yuri Ignat cho biết trong cuộc phỏng vấn hôm qua.
Ông Ignat cho rằng chỉ có các hệ thống phòng không hiện đại do phương Tây sản xuất như Patriot mới có thể hạ được tên lửa như Kh-22 và Kinzhal. Phát ngôn viên không quân Ukraine từng nhiều lần kêu gọi Mỹ và đồng minh cung cấp thêm Patriot và tổ hợp SAMP/T.
Bộ tư lệnh không quân Ukraine trước đó nói rằng Nga đã sử dụng 28 tên lửa hành trình các loại, gồm 4 tên lửa diệt hạm siêu thanh Kh-22 và 20 tên lửa hành trình Kh-101/555 phóng từ oanh tạc cơ chiến lược, cùng 4 quả Kalibr triển khai từ tàu chiến trên Biển Đen trong đòn tập kích rạng sáng 15/8 vào nhiều mục tiêu ở nước này.
Phòng không Ukraine tuyên bố đã phá hủy 16 tên lửa Kh-101/555 và Kalibr, nhưng Nhà máy Chế tạo máy phương Nam (Pivdenmash) ở thành phố Dnipro, miền trung nước này, vẫn trúng loạt tên lửa hành trình, dường như là Kh-22.
Ukraine đã được chuyển giao hai hệ thống Patriot, nhưng chúng được triển khai để bảo vệ thủ đô Kiev. Lưới phòng không tại các đô thị khác như Odessa vẫn dựa vào những tên lửa đời cũ của Ukraine.
Tên lửa Kh-22 là vũ khí tiến công chính của oanh tạc cơ chiến lược Tu-22M3, trong đó mỗi máy bay mang được tối đa ba quả đạn dưới cánh và thân. Phiên bản nguyên gốc có tầm bắn 600 km và tốc độ tối đa 5.600 km/h, gấp 4,6 lần vận tốc âm thanh.
Kh-22 được thiết kế để hủy diệt nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ, dựa vào tốc độ lớn và đầu nổ thông thường nặng 1.000 kg hoặc đầu đạn hạt nhân mạnh tương đương 350.000-1.000.000 tấn thuốc nổ TNT. Dòng Kh-22 cũng có phiên bản kết hợp radar với hệ thống định vị, cho phép tấn công mục tiêu cố định như cảng biển và sân bay.
Nga năm 2013 phát triển phiên bản Kh-32 nâng cấp từ Kh-22 để trang bị cho oanh tạc cơ hiện đại hóa Tu-22M3. Kh-32 có vẻ ngoài và kích thước tương đồng dòng Kh-22, nhưng được trang bị radar và hệ thống dẫn đường quán tính mới, tăng cường khả năng kháng nhiễu, mang được nhiều nhiên liệu và sử dụng động cơ mạnh hơn.
Dòng Kh-32 có thể đạt tầm bắn 1.000 km và tốc độ tối đa 5.060 km/h, được lắp đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân. Không quân chiến lược Nga bắt đầu biên chế Kh-32 từ năm 2016.
Phạm Giang (Theo TASS, Reuters)