"Quân đội Nga đang sử dụng tên lửa phòng không tầm xa S-300 để tập kích mục tiêu mặt đất. Họ đã phóng 12 quả đạn vào tỉnh Mikolaiv, chúng có độ chính xác thấp dù được lắp thiết bị định vị vệ tinh", Vitaly Kim, tỉnh trưởng tỉnh Mykolaiv ở miền nam Ukraine, cho biết trên ứng dụng nhắn tin Telegram hôm 8/7.
Bộ Quốc phòng Nga và quân đội Ukraine chưa bình luận về thông tin này.
Nga và Ukraine đang sử dụng nhiều phiên bản của hệ thống phòng không tầm xa S-300 trong chiến sự, bao gồm các biến thể thuộc dòng S-300P đặt trên khung gầm bánh lốp và lá chắn tên lửa đạn đạo S-300V trên khung gầm bánh xích.
Năng lực tấn công mục tiêu mặt đất của hệ thống phòng không S-300 ít được phương Tây đề cập, nhưng đã được truyền thông Belarus tiết lộ từ nhiều năm trước.
"Các nhà phát triển đã tích hợp khả năng tấn công mục tiêu cố định trên mặt đất vào thiết kế tên lửa S-300 được biên chế từ năm 1979, cũng như những biến thể sau này. Hệ thống S-300 Belarus lần đầu diệt mục tiêu mặt đất từ khoảng cách hàng chục km trong đợt diễn tập năm 2011", trang tin Naviny cho hay.
Hệ thống dẫn đường quán tính và cập nhật tham số mục tiêu qua đường truyền vô tuyến cho phép hệ thống S-300 tấn công mục tiêu cỡ lớn trên mặt đất. Các quả đạn S-300 cũng rất khó đánh chặn vì tốc độ cao và đường bay tương tự tên lửa đạn đạo.
Chưa rõ lý do Nga sử dụng tên lửa phòng không S-300 để tấn công mục tiêu mặt đất tại Ukraine. Giới chuyên gia quân sự phương Tây cho rằng đây là dấu hiệu kho tên lửa dẫn đường chính xác của Nga đang cạn kiệt, trong bối cảnh Moskva đã sử dụng hơn 1.500 quả đạn các loại sau 4 tháng giao tranh và bị cắt nguồn cung nhiều thiết bị bán dẫn quan trọng.
Tuy nhiên, cũng có khả năng hệ thống S-300 được triển khai dựa trên lý do thực tế, như mục tiêu nằm ngoài tầm bắn của pháo binh nhưng lại trong tầm tập kích của khẩu đội phòng không.
"Sử dụng S-300 để tấn công mục tiêu như vậy là điều hợp lý, thay vì huy động đòn đánh bằng tên lửa hành trình đắt tiền. Tên lửa hành trình sẽ phải bay xa và lâu hơn, trong khi tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander thường được dành cho mục tiêu trọng yếu. Nga đã loại biên nhiều đơn vị S-300 để thay bằng tổ hợp S-400 và có kho dự trữ đạn khổng lồ, phù hợp để tiêu diệt mục tiêu cố định trên mặt đất, thay vì dùng cho các tình huống đánh chặn có rủi ro cao", cây bút Thomas Newdick của Drive nhận xét.
Vũ Anh (Theo Drive)