Ukraine hôm 20/7 tuyên bố bắn rơi 18 trong tổng số 38 vũ khí của Nga tập kích các tỉnh miền nam nước này, gồm 5 tên lửa hành trình Kalibr, Iskander-K và 13 máy bay không người lái (UAV) tự sát. Tuy nhiên, quân đội Ukraine không chặn được mục tiêu nào trong 7 tên lửa diệt hạm siêu thanh P-800 Oniks và 4 quả đạn Kh-22 được Moskva sử dụng trong đòn tấn công.
Một ngày trước đó, lực lượng phòng không Ukraine cũng để lọt 6 quả đạn Oniks và 8 tên lửa Kh-22 trong đòn tập kích nhằm vào tỉnh Odessa ở miền nam.
"Oniks có tốc độ gấp 2,6 lần âm thanh, tương đương 3.200 km/h. Các quả đạn thường bay ở độ cao lớn trong suốt hành trình để tiết kiệm nhiên liệu. Khi tiếp cận mục tiêu, nó sẽ hạ độ cao chỉ còn 10-15 m so với mặt biển. Điều này khiến hệ thống phòng không rất khó phát hiện và tiêu diệt Onyx", phát ngôn viên không quân Ukraine Yuri Ignat nói trong cuộc họp báo sau đó.
Đại tá Ignat thừa nhận các hệ thống phòng không trong biên chế Ukraine hiện nay gần như không thể đánh chặn tên lửa Oniks. "Chúng tôi chỉ có thể tác động đến chúng bằng biện pháp tác chiến điện tử, đó là lý do một số tên lửa không đến được mục tiêu", ông nói.
Quan chức không quân Ukraine cũng cho rằng nước này cần củng cố lưới phòng không ở các tỉnh miền nam, bằng cách triển khai những tổ hợp tên lửa hiện đại của phương Tây như Patriot và SAMP/T.
Nga từng nhiều lần tuyên bố triển khai hệ thống tên lửa bờ Bastion-P để khai hỏa tên lửa Oniks tấn công những mục tiêu có giá trị cao của Ukraine. Các đòn tập kích bằng tên lửa Oniks dường như được tiến hành từ trận địa Bastion-P trên bán đảo Crimea.
Mỗi tổ hợp Bastion-P gồm nhiều xe chở đạn kiêm bệ phóng đặt trên khung gầm bánh lốp, mỗi xe mang được hai quả đạn Onyx.
Tên lửa siêu thanh Oniks có tầm bắn 600-800 km, sử dụng đầu đạn nổ mạnh nặng 250 kg. Mẫu P-800 nguyên bản được thiết kế để tiêu diệt tàu sân bay và chiến hạm cỡ lớn, nhưng quân đội Nga bắt đầu dùng vũ khí này để tập kích mục tiêu mặt đất khi tấn công phiến quân Syria hồi cuối năm 2016.
P-800 được lắp hệ thống dẫn đường quán tính và kích hoạt đầu dò radar chủ động ở giai đoạn cuối để lao đến mục tiêu. Trong nhiệm vụ đối đất, Oniks có thể sử dụng hệ thống định vị vệ tinh GLONASS để tiến công mục tiêu cố định trên bản đồ hoặc dùng radar để bám bắt mục tiêu có độ tương phản cao so với môi trường xung quanh.
Vũ Anh (Theo Interfax-Ukraine)