Oleksandr Ruvin, giám đốc Viện Nghiên cứu Khoa học về Khám nghiệm Pháp y Kiev, hôm 12/2 công bố hình ảnh các mảnh vỡ tên lửa thu được tại thủ đô Ukraine sau cuộc không kích của Nga hồi giữa tuần trước, cho biết chuyên gia của cơ quan này đã đánh giá sơ bộ và kết luận đây là bộ phận tên lửa siêu vượt âm Zircon mới được Nga đưa vào biên chế.
"Các dòng tên lửa của Nga dùng chung nhiều linh kiện, nhưng có những bộ phận riêng biệt chỉ xuất hiện trên một loại đạn nhất định. Dấu hiệu trên mảnh vỡ cho thấy chúng được sản xuất trong giai đoạn 2023-2024, nghĩa là quả đạn Zircon gần như mới xuất xưởng. Thiết bị điện tử đã bị phá hủy và không thể phân tích, chúng tôi đang nghiên cứu thành phần kim loại và vật liệu cách nhiệt", ông nói.
Đây là lần đầu xuất hiện thông tin Nga triển khai tên lửa siêu vượt âm Zircon trong gần hai năm chiến sự tại Ukraine. Giới chuyên gia quân sự cho rằng điều này sẽ đặt ra thách thức mới cho lưới phòng không Ukraine, vốn đang rơi vào tình trạng thiếu thốn đạn dược do nguồn viện trợ từ Mỹ và phương Tây suy giảm.
Bộ Quốc phòng Nga và quân đội Ukraine chưa bình luận về thông tin.
Bộ tư lệnh không quân Ukraine hôm 7/2 thông báo Nga sử dụng 44 tên lửa các loại và 20 máy bay không người lái (UAV) tự sát để tập kích thủ đô Kiev và nhiều thành phố, tuyên bố bắn rơi 29 quả đạn hành trình và 15 phi cơ. Báo cáo của cơ quan này không đề cập tới tên lửa siêu vượt âm Zircon.
Thị trưởng Kiev Vitali Klitschko nói rằng đòn tập kích đã gây ra nhiều vụ nổ và khiến một phần thủ đô Ukraine mất điện. Tỉnh trưởng Kharkov Oleh Synehubov nói rằng "hạ tầng phi dân sự" tại thủ phủ cùng tên đã trúng tên lửa, nhưng không nói thêm chi tiết.
3M22 Zircon là một trong những vũ khí siêu vượt âm do Nga phát triển. Tổng thống Nga Vladimir Putin lần đầu tiết lộ về tên lửa Zircon trong bài phát biểu hồi tháng 2/2019, cho biết vũ khí này có thể tấn công các mục tiêu trên biển và mặt đất trong phạm vi 1.000 km với tốc độ hơn 11.000 km/h, gấp 9 lần âm thanh.
Nga lần đầu khai hỏa tên lửa Zircon vào tháng 10/2020, đã tiến hành 12 đợt phóng thử từ tàu mặt nước và tàu ngầm trong năm 2021, tất cả đều đánh trúng mục tiêu. Moskva dự kiến trang bị tên lửa siêu vượt âm này cho hàng loạt chiến hạm mặt nước và tàu ngầm, nhờ khả năng dùng chung bệ phóng thẳng đứng với tên lửa hành trình Kalibr và tên lửa diệt hạm Oniks trong biên chế hiện nay.
Vũ Anh (Theo Reuters)