Đối với Ukraine, xung đột đang diễn ra với Nga rất tàn khốc nhưng cũng vô cùng tốn kém. Chiến dịch phản công nhằm đẩy lực lượng Nga ra khỏi lãnh thổ đang tiến triển chậm chạp, khiến triển vọng kết thúc sớm chiến sự trở nên xa vời.
Đối mặt với những trận đánh hao người tốn của trước mắt và mức thâm hụt ngân sách dự kiến hơn 40 tỷ USD vào năm 2024, các quan chức tài chính ở Kiev đang phải huy động tiền từ khắp nơi để duy trì hoạt động nền kinh tế thời chiến.
Một số kế hoạch của Ukraine khá đơn giản, như bán trái phiếu cho các tập đoàn và cá nhân trong nước, kêu gọi viện trợ quốc tế và tái cơ cấu các khoản nợ hiện có. Số khác phức tạp hơn, như đánh thuế các trung gian tài chính hưởng lợi từ tài sản bị đóng băng của Nga, hay huy động tiền từ các nhà đầu tư trái phiếu quốc tế.
"Nếu không thể bù đắp thiếu hụt ngân sách, chính phủ sẽ không còn tiền trang trải cho các hoạt động quân sự của mình", Vitaliy Vavryshchuk, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế vĩ mô tại công ty môi giới ICU, trụ sở tại Kiev, nói.
Với tư vấn từ chính phủ Ukraine, ICU sắp triển khai một chương trình bán trái phiếu nhà nước cho các cá nhân ở nước ngoài, đặc biệt là tại Tây Âu.
Theo nghiên cứu của ICU, nền kinh tế Ukraine ổn định phần nào trong năm nay và chính phủ đã nâng dự báo tăng trưởng năm 2023 từ 1% lên 4%. Động thái trên giúp giá trái phiếu Ukraine trên thị trường quốc tế tăng mạnh từ tháng 6. Dù vậy, sản lượng kinh tế năm nay được dự báo thấp hơn khoảng 25% so với mức trước xung đột.
Dữ liệu từ MarketAxess cho thấy trái phiếu quốc tế của Ukraine được giao dịch ở mức quanh 0,29 USD trong tuần trước.
Quân đội Ukraine đang sử dụng khoảng 90.000 quả đạn pháo mỗi tháng và quốc hội sẽ sớm bỏ phiếu về việc tăng ngân sách quốc phòng lần thứ ba, nâng mức chi tiêu dự kiến năm nay lên 40 tỷ USD, từ mức 30 tỷ USD. Bộ Tài chính Ukraine tuần trước cũng công bố kế hoạch tăng chi tiêu an ninh lên 45 tỷ USD vào năm tới.
Hầu hết các giao dịch mua vũ khí của Ukraine đều do châu Âu và Mỹ tài trợ. Nhưng không rõ nguồn hỗ trợ này sẽ kéo dài bao lâu, trong bối cảnh Mỹ sẽ bầu tổng thống vào năm tới. Viện trợ của Mỹ sẽ còn khó khăn hơn nữa khi xung đột kết thúc và kể cả khi đó, Ukraine vẫn cần chi tiêu mạnh tay cho quốc phòng.
"Nếu chiến thắng trong vòng một năm tới, chúng tôi vẫn phải đề phòng nguy cơ Nga tấn công một lần nữa", Yury Butsa, người đứng đầu bộ phận quản lý nợ công của Bộ Tài chính Ukraine, cho hay.
Ukraine đang thúc đẩy mạnh mẽ thị trường trái phiếu trong nước. Từ đầu năm đến nay, chính phủ đã vay 10 tỷ USD thông qua bán trái phiếu địa phương, vượt mức 8,5 tỷ USD mà Kiev nhận được từ viện trợ của Washington.
Thời điểm xung đột mới bùng phát, Ngân hàng Trung ương Ukraine đã mua hầu hết trái phiếu chính phủ mới để ổn định nền kinh tế đất nước. Hiện khu vực tư nhân đang thúc đẩy đà tăng trưởng, được thu hút bởi lợi suất điều chỉnh theo lạm phát ở mức khoảng 10%.
Theo dữ liệu từ Bộ Tài chính, lượng sở hữu trái phiếu kho bạc Ukraine của các ngân hàng, công ty và cá nhân đã tăng thêm 3 tỷ USD trong năm nay. Lượng nắm giữ của Ngân hàng Trung ương giảm khoảng 400 triệu USD.
Konstantin Lykhytsky, giám đốc ngân quỹ và đầu tư thuộc công ty bảo hiểm tai nạn và tài sản ARX, trụ sở tại Kiev, cho biết họ đã tăng lượng nắm giữ trái phiếu chính phủ lên khoảng 75% trong 80 triệu USD mà công ty đầu tư năm 2023, so với mức 60% trước xung đột.
"Chúng tôi muốn mua nhiều hơn để hỗ trợ chính phủ và quân đội, cũng như để đạt được mức lợi suất hấp dẫn", ông giải thích.
Tuy nhiên, số tiền có thể thu về từ nỗ lực này chỉ như "muối bỏ bể", khi chi tiêu cho quốc phòng của Ukraine quá tốn kém, theo giới quan sát.
Giải pháp dài hạn tốt nhất với Ukraine là gia nhập Liên minh châu Âu (EU), điều có thể giúp Kiev tiếp cận hàng trăm tỷ USD tiền trợ cấp và tài trợ cơ sở hạ tầng từ ngân sách của khối.
Những quốc gia như Ba Lan, Hungary và Cộng hòa Czech đã được hưởng hàng loạt lợi ích kinh tế to lớn khi gia nhập EU gần 20 năm trước. Tuy nhiên, khi chiến sự còn kéo dài, giấc mơ trở thành thành viên EU còn khá xa vời với Ukraine.
Hiện tại, Butsa và các quan chức khác của Ukraine đang tìm mọi biện pháp tình thế để giải cơn khát tiền và bịt lỗ hổng ngân sách.
Các trái chủ quốc tế, trong đó có MFS Investment Management, BlackRock và Fidelity Investments, năm ngoái đã đồng ý cho Ukraine tạm hoãn thanh toán khoản nợ khoảng 20 tỷ USD cho đến giữa năm 2024. Bộ Tài chính Ukraine hy vọng có thể tiếp tục cơ cấu lại trái phiếu vào năm tới.
Một nỗ lực khác là nhằm tăng thu nhập từ lãi mà các tổ chức tài chính như Euroclear thu được từ khoảng 280 tỷ USD tài sản bị đóng băng của Nga.
Trong nửa đầu năm nay, Euroclear đã thu về 1,7 tỷ USD tiền lãi từ 150 tỷ USD tài sản của Nga bị đóng băng bởi các lệnh trừng phạt quốc tế. Công ty có trụ sở tại Bỉ này đang thảo luận với giới chức EU về việc chuyển một phần tiền lãi sang Ukraine thông qua khoản thuế lợi tức phụ thu được trả cho Ủy ban châu Âu.
"Xét đến những tổn thất mà người Ukraine đang gánh chịu và hàng tỷ USD viện trợ từ Mỹ và các nước châu Âu cho nước này, thật quá đáng khi Euroclear và các cổ đông của họ lại thu lợi từ cuộc xung đột mà về cơ bản họ chẳng làm gì cả", Matt Ryan, nhà quản lý danh mục đầu tư trái phiếu tại các thị trường mới nổi tại công ty quản lý đầu tư MFS, trụ sở ở Mỹ, nhận xét.
Dù vậy, theo Ngân hàng Thế giới (WB), những số tiền trên vẫn không thể đáp ứng như cầu khổng lồ của Ukraine, bởi họ sẽ cần một lượng lớn tiền để tái thiết sau xung đột, ít nhất là 411 tỷ USD.
Vũ Hoàng (Theo WSJ)