"Quyết định này khiến người dân Belarus tăng suy nghĩ và phản ứng tiêu cực với Moskva và ông Putin. Điện Kremlin bắt Belarus làm con tin hạt nhân", Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine Oleksiy Danilov viết trên Twitter ngày 26/3.
Trợ lý của Tổng thống Ukraine Mykhaylo Podolyak cùng ngày cáo buộc lãnh đạo Nga "vi phạm hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân", thêm rằng Tổng thống Putin đã "thừa nhận sợ thua cuộc và tất cả những gì ông có thể làm là dọa dẫm mọi người".
Nga và Belarus chưa bình luận về những phát ngôn này.
Tổng thống Nga hôm 25/3 cho biết sẽ bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật ở nước láng giềng kiêm đồng minh Belarus, khẳng định đây là động thái "không có gì bất thường". Ông Putin so sánh kế hoạch của mình với việc Mỹ đặt vũ khí hạt nhân chiến thuật ở châu Âu và cho biết Nga sẽ không chuyển giao quyền kiểm soát vũ khí cho Minsk. Ông Putin nói thêm đã trao đổi vấn đề này từ lâu với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật có đầu đạn nhỏ, được thiết kế để sử dụng trong một cuộc tấn công hạn chế trên chiến trường, thay vì phá hủy quy mô lớn.
Ông chủ Điện Kremlin cho biết Nga đã triển khai 10 máy bay ở Belarus có khả năng mang vũ khí hạt nhân chiến thuật. Moskva cũng đã chuyển giao cho Minsk một số hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander có khả năng phóng vũ khí hạt nhân. Moskva dự kiến hoàn thành xây dựng kho lưu trữ vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus vào ngày 1/7.
Belarus có đường biên giới với ba nước thành viên NATO là Ba Lan, Litva và Latvia. Nga - Belarus có mối quan hệ quân sự thân thiết và Minsk đã cho phép Moskva sử dụng lãnh thổ của mình để đưa quân vào Ukraine. Ukraine nói rằng họ không thể loại trừ khả năng Belarus sẽ tấn công nước này. Tuy nhiên, Tổng thống Lukashenko đã nhấn mạnh quân đội Belarus không tham gia chiến dịch của Nga ở Ukraine.
Quan chức Nga nhiều lần khẳng định Moskva sẽ chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu nước này đối mặt "mối đe dọa tồn vong". Trong khi đó, Mỹ khẳng định vũ khí hạt nhân chỉ nên được sử dụng trong "những trường hợp cực đoan". Các nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Washington hôm 25/3 nhận định nguy cơ những căng thẳng hiện nay leo thang thành chiến tranh hạt nhân "vẫn ở mức rất thấp".
Ngọc Ánh (Theo AFP)